|
Tổng thống Myanmar U Htin Kyaw (thứ 9, trái, trước) và Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi (thứ 8, trái, trước) và các đại biểu chụp ảnh chung tại hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Hội nghị được coi là bước khởi đầu cho một chặng đường đầy gian nan của tiến trình hòa hợp dân tộc, và chỉ có lòng can đảm mới giúp người dân Myanmar đi hết cuộc hành trình này.
Khác với những thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình trước đây, vốn chỉ gói gọn với một số cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số nhất định và cũng chưa có thỏa thuận nào duy trì được hiệu lực lâu dài, tại Hội nghị Panglong thế kỷ 21 lần này, lần đầu tiên chính phủ Myanmar đã mời tất cả các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số, tức là tất cả những lực lượng đối nghịch với chính phủ, tham gia hòa đàm.
Và lần đầu tiên kể từ khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh, hầu như tất cả các nhóm vũ trang sắc tộc đã có cơ hội trình bày và lắng nghe các quan điểm về tương lai của đất nước.
Tất nhiên, những tranh cãi gay gắt về lập trường và quan điểm khác nhau giữa các nhóm vũ tranh sắc tộc là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, không một tổ chức vũ trang sắc tộc lớn nào ở Myanmar có ý định ly khai và ý tưởng về một hệ thống liên bang đã được gần như toàn bộ các nhà lãnh đạo sắc tộc thiểu số ủng hộ.
Đó chính là cơ sở vững chắc để khởi đầu cho một tiến trình đối thoại toàn quốc về xây dựng một nước Myanmar mới - một nhà nước liên bang với sự chung sống bình đẳng và hòa hợp lợi ích giữa các dân tộc. Đó là cơ hội mà các nhà lãnh đạo ở Myanmar hay các cộng đồng sắc tộc ở những vùng biên giới hẻo lánh đều không muốn bỏ lỡ.
Mặc dù giới quan sát dự báo hội nghị kéo dài bốn ngày qua không thể đem đến một giải pháp triệt để ngay lập tức cho cuộc xung đột dai dẳng gần 70 năm qua ở Myanmar, song việc các bên quyết tâm tiến hành hội nghị cho thấy họ đã nhận thức rất rõ và có mong muốn thực sự về một giải pháp hòa bình. Có thể nói đàm phán đã có sự khởi đầu thuận lời, song con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn phức tạp.
Trước hết là nguy cơ tái bùng phát xung đột. Hiện mới chỉ có năm nhóm vũ trang tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc tháng 10/2015, trong khi các nhóm chưa ký kết chiếm tới 4/5 số tay súng ở nước này.
Thứ hai là hình thức chính trị của nhà nước Myanmar sau hội nghị hòa lần này. Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, một trong những thách thức chính của Myanmar là tìm được một hình thức chính phủ có thể chấp nhận được đối với các cộng đồng sắc tộc đa dạng. Vấn đề quyền tự chủ của các dân tộc thiểu số trong khuôn khổ của chế độ liên bang đã từng được nêu ra từ Hội nghị Palong năm 1947, nhưng thực trạng sắc tộc của Myanmar đã có nhiều thay đổi. Vì thế, một cách tiếp cận mới hiện đại hơn là cần thiết để theo kịp sự phát triển của tình hình thực tế.
Thứ ba là sự can dự của bên ngoài, nhất là các nước có đường biên giới chung với Myanmar, tiếp giáp với các vùng sắc tộc thiểu số nổi loạn. Trước khi tiến hành hội nghị hòa bình, bà Suu Kyi đã có các chuyến thăm Thái Lan và Trung Quốc. Những cam kết chính trị mà bà có được trong các chuyến thăm có thể giúp hội nghị lần này thu được một số kết quả, nhưng không thể đảm bảo rằng sự can dự này sẽ hoàn toàn chấm dứt khi mà các nhóm vũ trang sắc tộc hoàn toàn có thể bị bị lợi dụng cho một số mục đích của bên ngoài.
Có thể nói việc giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ ở Myanmar không phải là chuyện “một sớm một chiều.” Giới quan sát đánh giá rất cao nỗ lực của chính phủ Myanmar khi đẩy mạnh tiến trình hòa bình và xúc tiến tổ chức Hội nghị hòa bình liên bang.
Chính phủ mới của Myanmar đã tuyên bố rằng việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ của nước này là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ. Hiện chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đang ở vị thế hết sức thuận lợi cả về tình hình trong nước lẫn quan hệ quốc tế để thay đổi triệt để trạng thái các mối quan hệ sắc tộc ở Myanmar./.
Theo Vietnam+