Lãnh đạo các nước G7 và chủ tịch Ủy ban châu Âu, chủ tịch Hội đồng châu Âu tại Ise, Mie Prefecture ngày 26/5. Ảnh: AFP
Thỏa thuận trên đã đạt được trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại thành phố Shima, Mie Prefecture, Nhật Bản, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Shinzo Abe.
"Chúng tôi đã có cuộc thảo luận về kinh tế thế giới và nhất trí rằng nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với một nguy cơ lớn", Thủ tướng Abe nói với các phóng viên sau phiên họp. Ông Abe cũng cho biết, để đối phó với nguy cơ đó, các thành viên G7 nhất trí sẽ biên soạn một tập hợp các biện pháp kinh tế được gọi là Sáng kiến kinh tế Ise-Shima, mà theo ông "là một thành tựu lớn".
Các quan chức Nhật Bản, những người theo dõi phiên họp, nói thêm rằng các nhà lãnh đạo ghi nhận sự thất vọng đang ngày càng gia tăng giữa các tầng lớp trung lưu, những người phải đối mặt với một tương lai ảm đạm giữa bối cảnh khoảng cách thu nhập ngày càng nới rộng hơn.
Tin từ Japantimes cho biết, các nhà lãnh đạo đã không thông nhất về khoản ngân sách chính xác mà mỗi nước G7 cần chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và từ đó, gia tăng lợi ích cho tầng lớp trung lưu trên toàn thế giới. Điều này rõ ràng phản ánh sự khác biệt về chính sách giữa các nước G7, khi Đức và Anh từ chối yêu cầu lặp đi lặp lại của Nhật Bản rằng họ nên chi tiêu nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản nhấn mạnh rằng, G7 - bao gồm các đại diện từ Liên minh châu Âu, đã nhất trí về sự cần thiết của "chi tiêu khôn ngoan" để thúc đẩy tăng trưởng và có lợi cho tầng lớp trung lưu, chẳng hạn như đầu tư vào khoa học, giáo dục, nền kinh tế số...
Theo nhận định của các quan chức nói trên, vươn tới sự đồng thuận này chính là "một bước tiến lớn" của hội nghị.
Tiếp theo sau đó, các nhà lãnh đạo G7 đã tổ chức một phiên họp riêng biệt về các vấn đề ngoại giao và an ninh.
Trong phiên họp, các đại biểu thống nhất rằng, một thông cáo chung của G7 sắp được ban hành hôm nay (27/5) sẽ bày tỏ "quan ngại" về tình hình ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế nên được tuân thủ và không cho phép sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, một quan chức Nhật Bản cho biết.
Theo quan chức này tiết lộ, thông cáo sẽ không đề cập cụ thể đến tên Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc. Thông cáo này cũng sẽ nhấn mạnh các quy ước về tự do hàng hải và các chuyến bay trên vùng biển khơi – điều có khả năng vấp phải sự phản đối từ Bắc Kinh.
Trong phiên họp buổi sáng về nền kinh tế toàn cầu, các thành viên G7 thừa nhận rằng điều kiện kinh tế của một số nước đang phát triển nhất định đã xấu đi đáng kể.
Theo Thủ tướng Abe, điều này có thể phát triển thành một "cuộc khủng hoảng" và kêu gọi các nước G7 khác trong nhóm tiến hành các bước đi táo bạo, tuy nhiên các thành viên khác cho rằng "khủng hoảng" có thể là từ quá nặng nề.
Đề cập đến những rủi ro kinh tế thế giới có thể phải đối mặt, trích dẫn các chỉ số kinh tế trước và sau sự sụp đổ của Lehman Brothers hồi tháng 8/2008, Thủ tướng Abe nói rằng, mặc dù không phải ông "bi quan" về nền kinh tế toàn cầu nhưng cần cảnh báo G7 không nên nhắm mắt làm ngơ trước điều kiện kinh tế hiên nay và thay vào đó, phải có biện pháp thích hợp để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng tất cả các công cụ có thể, bao gồm cả chính sách tiền tệ, cải cách cơ cấu và các biện pháp kích thích tài chính. Cũng trong ngày hôm qua, các nhà ngoại giao từ nhóm G7 được dự kiến sẽ xây dựng một thông cáo chung và các báo cáo bổ sung sẽ được ban hành trong phiên kết thúc của hội nghị thượng đỉnh vào hôm nay.
Theo lịch trình, các nhà lãnh đạo G7 có kế hoạch tổ chức các phiên "tiếp cận" với một số nước đang phát triển trong sáng nay và vào buổi chiều, Thủ tướng Abe sẽ tổ chức một cuộc họp báo kết luận.
Tố Quyên (Lược dịch từ Japantimes)