ClockThứ Năm, 14/03/2019 14:40

Indonesia cấm xe cá nhân ở một số tuyến đường để tránh ùn tắc

Trong nhiều năm qua, chính quyền thủ đô Jakarta, Indonesia đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu lượng xe cá nhân và khuyến khích người dân tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Chính sách giao thông bền vững cho ASEANASEAN bàn kế hoạch xây dựng mạng lưới các thành phố thông minhIndonesia: Chiến thắng của ông Donald Trump không đe dọa ASEAN

Mật độ giao thông dày đặc trên đường phố Jakarta. Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+

Thủ đô Jakarta của Indonesia có tất cả 5 thành phố vệ tinh lân cận, tổng dân số là 33 triệu người. Ước tính hằng ngày có tới 40,7 triệu lượt người đi lại trong các thành phố này.

Số lượng người và phương tiện đã gây áp lực lớn cho hoạt động giao thông ở đây và khiến giới chức Indonesia phải đau đầu tìm các phương án giải quyết.

Trong nhiều năm qua, chính quyền thủ đô Jakarta đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu lượng xe cá nhân và khuyến khích người dân tích cực sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Riêng hình thức xe buýt, cả nhà nước và tư nhân cùng vào cuộc, và người dân có nhiều thể loại để lựa chọn như Transjakarta (xe buýt lớn do nhà nước đầu tư), minibus, metro mini, angkot… (các hình thức xe vận tải tư nhân).

Ông Bambang, Giám đốc Sở Giao thông Jakarta cho biết: “Một chiến lược tổng thể 2018-2029 đang được Indonesia thực hiện với việc cải thiện hạ tầng giao thông, hệ thống giám sát, điều tiết giao thông hiện đại và nó không chỉ là trách nhiệm của chính quyền trung ương mà còn được giao cho các địa phương. Với những lộ trình cụ thể, chúng tôi hy vọng có thể cải thiện được đáng kể tình trạng tắc đường hiện nay với việc đưa tốc độ di chuyển trung bình của các loại phương tiện giao thông là từ 10-11 km/h hiện nay tăng lên đạt 29-30 km/h vào cuối năm 2029."

Xác định để có thể thay đổi được thói quen của người dân trong việc chuyển từ việc sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng là một quá trình, chính quyền thủ đô đã tập trung trước hết vào việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, để giảm tải cho những tuyến đường huyết mạch trong thành phố, Jakarta đã áp dụng các biện pháp cấm phương tiện cá nhân ở một số tuyến đường trong khung giờ cao điểm với quy định biển số chẵn-lẻ đối với ôtô cá nhân (ngày chẵn chỉ có xe biển số chẵn được phép lưu thông). 

Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thể áp dụng lâu dài cũng như việc áp dụng thu phí điện tử (ERP). Thành phố đang hướng đến các biện pháp tích cực hơn nữa để giảm phương tiện cá nhân giống như Singapore đang làm hiện nay, áp dụng chính sách mỗi cá nhân không được đăng ký sở hữu quá 2 xe ôtô với mức thuế, phí cao... và trước mắt tập trung cho các giải pháp cấp bách đó là phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông.

 

 Công trình cải thiện tình trạng giao thông của thành phố. Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+

Ông Bambang nói: "Điểm đón giao thông tại các khu dân cư sẽ tạo sự thuận tiện cho người dân. Chúng tôi hy vọng đến năm 2029 mô hình này sẽ đạt tới 60%, hiện nay chúng tôi mới chỉ đạt 30%, và khi đó, Jakarta sẽ bắt kịp Singapore vào thời điểm hiện nay. Chúng tôi sẽ tích cực phát triển mạng lưới giao thông công cộng lên tới 80%. Hiện tại ở Jakarta và các thành phố lân cận mới chỉ đáp ứng khoảng 30%, mỗi tuyến di chuyển không quá 2,5 giờ và chúng tôi sẽ tăng cường các điểm kết nối để thuận tiện cho người dân trong việc đến các địa điểm mình muốn."

Để phát triển đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống giao thông công cộng, chính quyền Jakarta đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tích cực hiện đại hóa các phương tiện giao thông công cộng để người dân ý thức được sự tiết kiệm, hiệu quả và an toàn hơn của loại hình giao thông này so với việc sử dụng các phương tiện cá nhân.

Một ga tàu điện ngầm ở Jakarta đang được hoàn thiện. Ảnh: Đỗ Quyên/Vietnam+

Một trong những mô hình mà thủ đô Jakarta sẽ tập trung phát triển trong tương lai là xây dựng các khu dân cư hiện đại và kết nối TOD (Transit Oriented Development). 

Ở mỗi TOD có các văn phòng, căn hộ, trung tâm mua sắm, trường học, bệnh viện… cũng như các điểm đón trả khách của các loại giao thông công cộng, từ xe buýt đến tàu điện ngầm. Sự tiện lợi, hiện đại và an toàn giúp người dân dễ dàng hơn trong việc di chuyển và sẵn sàng lực chọn phương tiện công cộng. 

Đặc biệt, trong năm nay, hai hệ thống giao thông mới là tàu điện ngầm và đường sắt trên cao sẽ bắt đầu phục vụ người dân, tạo nên kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm tắc nghẽn giao thông của thủ đô đông dân này. Hệ thống tàu điện ngầm sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 3 này. 

Dự kiến trong năm đầu tiên hoạt động, MRT Jakarta sẽ vận chuyển 65.000 lượt hành khách mỗi ngày, giảm đáng kể lưu lượng người tham gia giao thông bằng các phương tiện trên mặt đất. 

Nuning, sống ở phía Nam thành phố, cho biết cô đi làm bằng xe buýt, nhưng khi tàu điện ngầm đưa vào sử dụng cô sẽ lựa chọn vì đây là phương tiện giúp đi lại nhanh, hiện đại và nhà ga khá gần nhà. Cô hy vọng tàu điện ngầm sẽ giúp cho Jakarta trở nên hiện đại hơn giống như Singapore hay Thái Lan. 

Tổng nguồn vốn đầu tư cho tuyến số 1 trong hệ thống tàu điện ngầm Jakarta là 17.000 tỷ Rupiah (tương đương 1,2 tỷ USD), trong đó 1 tỷ USD là nguồn vốn vay của Nhật Bản, cũng là nước trúng thầu thực hiện dự án này. Tuyến số 1 kết nối từ trung tâm thành phố đến phía Nam với khoảng thời gian là 30 phút.

Người dân Jakarta nóng lòng đón chờ phương thức vận chuyển hiện đại này được đưa vào vận hành với hy vọng tình trạng giao thông tồi tệ của Jakarta sẽ được cải thiện.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

Xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, gắn máy kéo theo xe khác, vật khác luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

TIN MỚI

Return to top