Cảnh sát Indonesia trong một chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố. Ảnh: The Jakatar Post
Mới đây nhất, Hạ viện Indonesia thông qua Luật Khủng bố sửa đổi, cho phép Quân đội Indonesia (TNI) tham gia nhiều hơn vào việc chống khủng bố, mặc dù Cảnh sát Quốc gia vẫn là cơ quan chống khủng bố chính của nước này.
Bất chấp những lo ngại của các nhà hoạt động nhân quyền, những người kêu gọi mở rộng vai trò của TNI nêu ra những hạn chế và điểm yếu của cảnh sát trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố, từ các vụ bắt giữ bất hợp pháp và nổ súng gần đây. Tuy nhiên, phía cảnh sát cũng đã đạt được một số thành công đáng kể trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.
Ở cấp độ khu vực, Indonesia cũng đã đẩy mạnh và bắt đầu sử dụng các tài sản quân sự để chống khủng bố.
Sáng kiến này được thực hiện sau khi các chiến binh Hồi giáo, phần lớn trong số đó trở về từ Trung Đông sau thất bại của phong trào Hồi giáo Nhà nước (IS), tấn công và tổ chức bao vây thị trấn Marawi ở miền nam Philippines. Để ngăn chặn sự di chuyển của các chiến binh từ miền nam nước này sang Malaysia và nhất là Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizad Ryacudu đã khởi xướng một cơ chế ba bên bao gồm cả tuần tra đường biển và đường hàng không của 3 quốc gia ASEAN. Trong cuộc đối thoại Shangri-La về an ninh vừa diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Ryamizard cho biết, một cuộc tuần tra biên giới cũng sẽ được đưa vào cơ chế ba bên.
Một đề xuất khác của Indonesia là sáng kiến Our Eyes (Đôi mắt của chúng ta), bao gồm 3 nước nói trên cùng với Brunei, Singapore và Thái Lan. Sáng kiến này nhận được sự ủng hộ từ các đối tác khu vực, như Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Bộ trưởng cho biết, cần thêm sự hỗ trợ trong việc mua lại công nghệ để theo dõi những kẻ khủng bố và triển khai một hệ thống cảnh báo sớm, nhất là khi nhóm người này trở lại quê nhà.
Indonesia cũng đề xuất một cuộc tập trận chung giữa lực lượng đặc biệt trong nước và từ các nước khác để trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Một hình thức quan trọng khác của hợp tác quốc tế là theo dõi và ngăn chặn tài trợ của các nhóm khủng bố khác nhau và những kẻ ủng hộ, vấn đề không thể được thực hiện đơn phương.
Tuy nhiên, trận chiến thực sự là cuộc chiến trong tâm trí và nhận thức; vì điều quan trọng là phải thay đổi được những suy nghĩ sai lệch được truyền bá bởi những ý thức hệ khủng bố nhằm tuyển dụng thêm chiến binh và người ủng hộ. Ý thức mạnh mẽ về chủ nghĩa dân tộc và xây dựng đặc tính quốc gia tốt hơn cũng là những yếu tố quan trọng trong việc đánh bại cái ác của chủ nghĩa khủng bố.
Bảo Nghi (Lược dịch từ The Jakarta Post & ANN)