Khi Mỹ mạnh miệng
Bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Davos, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tự tin tuyên bố rằng năm 2016, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại Syria và Iraq sẽ bị suy yếu "nghiêm trọng".
Ông Kerry nói: "Tôi cho rằng vào cuối năm 2016, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu làm suy yếu nghiêm trọng IS ở Iraq và Syria, đồng thời gây tổn thất nặng nề cho chúng ở Mosul (Iraq) và Raqa (Syria). Chúng ta đang đi đúng hướng".
Còn Lầu Năm Góc ước tính IS đã bị mất 20-30% lãnh thổ mà chúng kiểm soát ở Iraq và Syria. Chỉ tính riêng ở Iraq, IS bị mất tới 40% lãnh thổ.
Máy bay Mỹ xuất kích tấn công IS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 21/1 cũng cho biết các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ đã trực tiếp tấn công các mục tiêu IS ở cả Syria và Iraq.
Phát biểu tại Paris, ông Carter nói: "Các lực lượng này đã thiết lập mối liên hệ với các lực lượng mới có chung mục tiêu với chúng tôi, mở ra các kênh liên lạc mới với các tay súng địa phương và thiết lập các mục tiêu mới cho các cuộc không kích".
Một đồng minh của Mỹ đang tích cực tham gia liên quân chống IS là Pháp cũng nhân dịp “kể thành tích”. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian thông báo khoảng 22.000 tay súng thánh chiến đã bị liên quân do Mỹ lãnh đạo tiêu diệt.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết liên quân chống IS đã tăng cường các cuộc không kích, đồng thời nhắc lại đúng những gì mà Ngoại trưởng Mỹ đã nêu là tập trung tấn công IS ở Raqa và Mosul.
Ông Hollande cho biết thêm: "Liên quân cũng quyết định tăng cường ủng hộ các lực lượng Arab và người Kurd đang chiến đấu chống IS ở trên bộ".
Các tay súng IS ở Raqqa, Syria
Phụ họa thêm vào “bảng thành tích” chống IS, người phát ngôn của Lực lượng liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu - Tướng Steven Warren - cho biết đến nay IS đã mất gần 40% lãnh thổ tại Iraq và khoảng 20% tại Syria.
Theo tướng Mỹ, IS đã liên tiếp gặp thất bại nghiêm trọng trong vài tháng trở lại đây tại Syria và Iraq, mà gần đây nhất là mất thành phố Ramadi, thủ phủ của tỉnh Al-Anbar rộng lớn tại Iraq.
Ngoài liên quân do Mỹ đứng đầu, IS còn đang bị quân đội Syria - liên minh với Nga và Iran - tấn công và đẩy lùi khỏi một số khu vực chiến lược tại Syria.
Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria
Thêm vào đó, các nhóm dân quân người Kurd và dân quân Shi'ite cũng đang tiến hành các chiến dịch tấn công vào các vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng.
IS còn nhiều tiền
Có một chi tiết quan trọng được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian tiết lộ là nguồn tài chính của IS "đang bắt đầu cạn kiệt".
Giới phân tích cho rằng nguồn thu chính của IS đang giảm mạnh do các cuộc không kích liên tiếp của liên quân nhằm vào những cơ sở sản xuất dầu mà tổ chức này kiểm soát.
Hiện 45% nguồn thu của IS có được nhờ bán dầu, giảm hơn một nửa so với cách đây một năm. IS kiếm được 500 triệu USD/năm từ dầu mỏ, nhưng đang thích nghi nhanh và đã tìm ra những nguồn thu mới để bù đắp.
Năm 2015, IS kiếm được 300 triệu USD từ thuế, 160 triệu USD từ điều hành trang trại, và 80 triệu USD từ bán cổ vật cướp được, cộng với 40 triệu USD từ các khoản tiền chuộc.
Tổng cộng, tổ chức này đã có ngân sách 1,3 tỉ USD năm 2015. Hiện chưa rõ liệu IS có đủ khả năng duy trì nguồn thu như vậy trong năm 2016 hay không. Tổ chức này phải chi trả cho các hoạt động nội bộ và trên chiến trường.
Các tay súng IS tại Tel Abyad, Syria
Tuy nhiên, cần phải nhìn vào cơ cấu thực tế của IS mới có thể thấy hết mức độ nguy hiểm và khả năng khó đánh bại tổ chức này là như thế nào.
Đến nay, IS có nhiều nhánh khác nhau cùng nhiều tổ chức tuyên bố trung thành trong khu vực. Quy mô, tính chất và ý đồ của mỗi nhóm là rất khác nhau dù có sự thống nhất về ngân sách và sự chỉ đạo từ cao xuống thấp.
Giới phân tích lấy ví dụ nhóm Yarmuk liên kết với IS ở khu vực cao nguyên Golan của Syria, giáp biên giới với Israel, hành xử khác với nhóm IS ở Sinai hoặc Libya.
Dù bị tấn công mạnh và bị siết nguồn thu chủ lực, song việc các nhóm có tính chất “cát cứ” sẽ giúp IS duy trì tồn tại. Tổ chức này thậm chí vẫn còn nhiều khả năng để tiến hành tấn công trực tiếp vào các lợi ích của phương Tây, giống như loạt vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Binh sĩ trên đường phố Paris, Pháp sau vụ khủng bố ngày 13/11/2015
IS có thể không còn đủ sức mạnh để thiết lập, mở rộng và kiểm soát một “vương quốc Hồi giáo” như tổ chức này tuyên bố, song vẫn đủ khả năng tiếp tục tuyển mộ chiến binh, vẫn có thể tiến hành thêm các vụ đánh bom nhằm vào các máy bay chở khách hoặc tấn công các sân vận động của châu Âu cùng các đồng minh của phương Tây.
Ví dụ, nhóm Wilayat Sinai trên bán đảo Sinai của Ai Cập chỉ có khoảng 1.000 thành viên liên kết với IS vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động, thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng an ninh Ai Cập.
Các thành viên của nhóm này chủ yếu là người Beduin ở Sinai, vốn bị gạt ra khỏi nền kinh tế địa phương và tiếp cận được vũ khí nhập lậu từ Libya.
Tướng Mỹ Warren cảnh báo IS đang tìm cách mở rộng hoạt động quân sự và khủng bố trên hướng Libya. Mới đây IS đã tấn công hai khu vực khai thác dầu quan trọng là Al Sedra và Ras Lanouf, nằm ở phía Bắc Libya, nơi tập trung nhiều giếng dầu và mỏ khí đốt quan trọng.
Đây là lần đầu tiên sau khi chiếm được thành phố Syrte, IS thực hiện các cuộc tấn công vào hai thành phố trọng yếu này, phá hủy hoàn toàn một kho dự trữ dầu lớn với trữ lượng gần 500.000 thùng nằm ở phía Nam thành phố Ras Lanouf.
Theo Kiều Như
Đất Việt