Dự kiến, hôm nay (29/11), Đại diện chính phủ Syria và đoàn đại biểu thống nhất phe đối lập nước này sẽ bước vào vòng hòa đàm thứ 8 do Liên Hiệp quốc bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ.
|
Đại diện phe đối lập Syria, ông Nasr al-Hariri. Ảnh: YouTube. |
Vòng hòa đàm diễn ra chậm hơn 1 ngày so với kế hoạch ban đầu, do Chính phủ Syria phản đối quan điểm mà phe đối lập đưa ra ngay trước thềm đàm phán, đó là sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad.
Dù cuối cùng chính phủ Syria vẫn quyết định tham gia đàm phán với phe đối lập, song theo giới phân tích, vòng hòa đàm lần này chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này đang dần khép lại và lợi ích của các bên đang dần “hiện rõ” hơn bao giờ hết.
Ngay trước thềm vòng hòa đàm thứ 8 về Syria tại Geneva, người đứng đầu Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) đối lập, ông Nasr al-Hariri đã tái khẳng định quan điểm của lực lượng này, rằng Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi trước khi bắt đầu quá trình chuyển tiếp chính trị. Điều này bị giới chức chính phủ Syria coi là sự “quay trở lại điểm đầu vạch xuất phát” cho các nỗ lực đàm phán từ trước đến nay, dẫn tới việc “do dự” khi gửi phái đoàn tham gia vòng đàm phán lần này.
Tuy nhiên, hôm qua, hãng thông tấn SANA của Syria dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nước này cho biết, phái đoàn Chính phủ Syria do ông Bashar al-Jaafari dẫn đầu sẽ tới Geneva trong ngày hôm nay (29/11). Và điều này cũng đã được Đặc phái viên Liên Hiệp quốc Staffan de Mistura xác nhận.
Tuy nhiên, đến nay, ông Mistura vẫn chưa thể khẳng định một cuộc đối thoại “trực tiếp” giữa chính phủ Syria và phe đối lập có thể diễn ra trong vòng hòa đàm lần này hay không, hay chỉ là các cuộc gặp riêng rẽ giữa các bên với các nhà hòa giải: “Chúng tôi luôn hướng tới một cuộc đối thoại trực tiếp. Đại diện đối lập Syria cho biết, họ đã thống nhất quan điểm và sẵn sàng cho một cuộc thảo luận trực tiếp với chính phủ. Tôi cũng sẽ sớm hỏi chính phủ Syria rằng liệu họ đã sẵn sàng như vậy chưa?”.
Những kêu gọi các bên liên quan tại Syria cần “nhượng bộ” và “linh hoạt” hơn nữa trong các cuộc đàm phán liên tiếp được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra gần đây, nhằm bày tỏ hi vọng quốc gia Trung Đông này có thể tận dụng tốt “cơ hội lịch sử đang có” để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 6 năm qua.
Trong khi đó, Liên Hiệp quốc cho rằng, các cuộc đàm phán giữa các bên cần phải được diễn ra mà không đi kèm bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, lực lượng đối lập Syria đang đưa ra điều kiện cho các cuộc đàm phán về một giai đoạn chuyển tiếp – là một trong các nội dung trọng tâm của vòng hòa đàm này.
Theo Đặc phái viên Mistura, vòng hòa đàm thứ 8 về Syria sẽ tập trung vào 4 vấn đề, đó là việc thành lập một chính phủ có uy tín, có tính đại diện và thống nhất; soạn thảo một Hiến pháp mới; chuẩn bị bầu cử “dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc” và thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố.
Sự trì hoãn, thiếu rõ ràng hay sự bất đồng quan điểm giữa các bên được nhắc lại đang cho thấy vòng hòa đàm Syria lần thứ 8 sẽ rất khó khăn, ngay cả khi nó chưa chính thức bắt đầu. Theo giới phân tích khu vực, lần đàm phán này sẽ khó có đột phá so với 7 vòng hòa đàm trước và vẫn sẽ cần nhiều vòng đàm phán khác nữa để hỗ trợ tiến trình hòa bình này như Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới tại Nga hay các cuộc họp tại Astana, Kazakhstan./.
Theo VOV