Thủ tướng 3 nước Campuchia, Việt Nam và Lào trong Hội nghị cấp cao CLV-DTA lần thứ 10. Ảnh: Asean Post
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng của ba nước láng giềng Campuchia, Lào và Việt Nam (CLV) đã gặp nhau và thông qua kế hoạch hành động để kết nối các nền kinh tế CLV đến năm 2030. Các nhà lãnh đạo cam kết xây dựng “nền kinh tế CLV tích hợp, bền vững và thịnh vượng” nằm trong kế hoạch khu vực lớn hơn của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
Cuộc họp diễn ra tại Hà Nội, là một phần của Hội nghị cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-DTA). Được thành lập vào năm 1999, CLV-DTA ban đầu chỉ bao gồm 10 tỉnh biên giới ở ba nước. Đến cuối năm 2009, ba nước quyết định bổ sung thêm 3 tỉnh nữa từ mỗi quốc gia để nâng tổng số lên 13 tỉnh thành. Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, ba thủ tướng nhất trí sẽ dần dần mở rộng khu vực tam giác để trải rộng trên lãnh thổ của ba nước.
Trong thập kỷ qua, cả ba nước đã phát triển nhanh chóng. Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình ổn định 7%, Việt Nam đã chuyển từ một trong những quốc gia nghèo khó nhất thế giới sang một trong những nền kinh tế giàu có nhất trong khu vực, trong khi Lào được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất khu vực. Lý do tăng trưởng ở các nước rất khác nhau, nhưng dường như vai trò của CLV-DTA phần lớn vẫn bị đánh giá thấp.
Thực tế, CLV-DTA rất hữu ích trong việc phát triển quan hệ đối tác. Theo ông Vannarith Chheang từ Viện ISEAS-Yusof Ishak, Nhật Bản là nước hỗ trợ chính của CLV-DTA, đã cam kết 1,5 tỷ USD cho sự hợp tác phát triển của các nước CLV trong các lĩnh vực như giáo dục, thủy lợi và cơ sở hạ tầng trong những ngày đầu của CLV-DTA. Năm 2015, Nhật Bản đã cung cấp thêm 18 triệu USD. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng hỗ trợ cho CLV-DTA theo khuôn khổ Tiểu vùng Mêkông mở rộng. Trong hội nghị thượng đỉnh, ADB đã đề xuất một số chiến lược để tiếp tục hỗ trợ CLV-DTA, trong số đó bao gồm việc hỗ trợ các nước CLV trong các vấn đề về thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng, thông qua việc phát triển các hành lang kinh tế bằng cả đầu tư công và tư nhân.
Không thể phủ nhận, CLV-DTA có vai trò quan trọng về địa chính trị, nhất là đối với Việt Nam. Đây là quốc gia đi đầu của tam giác, do tầm vóc chính trị và nền kinh tế tương đối tiên tiến của đất nước. Việt Nam đang tận dụng thỏa thuận này để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực.
CLV-DTA đã chứng kiến một số thành công, nhưng tiềm năng vẫn chưa được khai thác đầy đủ. Vai trò của CLV-DTA không chỉ về hợp tác kinh tế mà còn mở rộng hợp tác về an ninh cũng như phát triển văn hóa và xã hội. Về vấn đề này, 2 nước CLV vẫn có thể làm được nhiều hơn. Tỷ lệ nghèo ở Campuchia và Lào vẫn cao hơn ở hầu hết các nước láng giềng khác. Đây là một trong những ưu tiên chính của CLV-DTA, vì sông Mê Kông chảy qua cả ba nước.
Tóm lại, mặc dù CLV-DTA vẫn đang tìm hướng đi nhưng mức độ hợp tác hiện tại rất đáng được khen ngợi. Sự đồng thuận tại hội nghị thượng đỉnh CLV-DTA chính là những gì còn thiếu trong phần còn lại của ASEAN. Nếu CLV-DTA phản ánh sơ bộ những gì mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể trở thành, thì tương lai của khu vực chắc chắn sẽ được đảm bảo.
Tố Quyên (Lược dịch từ Asean Post)