Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei, ông Sisoulith khẳng định, ông sẽ “kêu gọi các nước có liên quan tiến hành đối thoại nhằm hướng tới giải quyết một cách hòa bình” tranh chấp ở Biển Đông.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá ở Biển Đông. Ảnh AP |
Tuyên bố của ông Sisoulith được coi là rất quan trọng bởi năm nay, Lào sẽ là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Philippines và Việt Nam, những nước có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Hành động cả tạo phi pháp các bãi đá thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và xây dựng trên đó nhiều công trình phục vụ mục đích quân sự đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của hai nước nói trên.
Thủ tướng Lào Sisoulith nhấn mạnh: “Là Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực để tạo ra một môi trường thuận lợi để các nước có liên quan có thể đối thoại một cách tích cực với nhau”. Ông Sisoulith cũng khẳng định sẽ kêu gọi các nước có tranh chấp cần kiềm chế, không gây thêm căng thẳng ở Biển Đông.
Trong khi đó, cả Philippines và Việt Nam đều đã lên tiếng kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết để đối phó với những hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Philippines cũng đã kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Hay, Hà Lan.
Ngoài ra, Philippines cũng hối thúc các nước ASEAN cần ra tuyên bố chung sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết về vụ kiện này (dự kiến là trong tháng 6 tới).
Tuy nhiên, ông Sisoulith đã rất thận trọng về đề xuất này của Philippines, thay vào đó, Thủ tướng Lào kêu gọi các quốc gia ASEAN cần đưa ra quyết định “sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng tình hình”.
Thủ tướng Sisoulith cho biết, ASEAN hoạt động dựa trên cơ chế đồng thuận và với tình hình hiện nay, rất khó để các quốc gia ASEAN đưa ra một tuyên bố chung như yêu cầu của Philippines.
Cho đến nay, lập trường của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán đã được nhắc lại nhiều lần. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
"Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước thì giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác ví dụ như vấn đề quần đảo Trường Sa thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.
Đối với các vấn đề liên quan cả đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và có chung mối quan tâm”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 14/4./.
Theo VOV