Người tị nạn ở trung tâm tiếp nhận tị nạn tại Schisto, gần Athens, Hy Lạp. Ảnh: AFP
Theo các quan chức LHQ, chỉ có khoảng 2.200 người tị nạn trở về Afghanistan trong năm nay, con số thấp nhất kể từ khi quá trình hồi hương tự nguyện được triển khai bắt đầu từ năm 2001.
"Con số này thấp hơn nhiều so với dự kiến của chúng tôi", ông George Okoth-Obbo, Trợ lý Cao ủy LHQ về người tị nạn, phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Kabul của Afghanistan vào hôm qua (17/4).
Trích dẫn số liệu phát hành bởi Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR), ông Okoth-Obbo cho biết thêm rằng, hơn 200.000 người Afghanistan đã trốn sang châu Âu trong năm 2015, và một số lượng không xác định những người đã xin tị nạn ở Pakistan, Iran, và di tản ngay trong chính đất nước Afghanistan.
Năm ngoái, có khoảng 60.000 người Afghanistan tự nguyện hồi hương, ông Okoth-Obbo nói. Tuy nhiên, theo nhận định của LHQ, đây là con số cao bất thường khi những người tị nạn Afghanistan ở Pakistan phải đối mặt với sự gia tăng tình trạng "quấy rối, tống tiền, và các yếu tố thúc đẩy khác" của các quan chức trước sự trỗi dậy của các cuộc tấn công khủng bố.
"Cuộc khủng hoảng người tị nạn Afghanistan cũng đang tác động mạnh đến châu Âu", ông Okoth-Obbo nhận định, lưu ý rằng trong năm 2016, đã có 80.000 người Afghanistan bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, gia nhập vào con số hơn 1 triệu người khác đang di tản bên trong đất nước.
Trước tình hình đó, các quan chức LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc với Chính phủ Afghanistan nhằm cố gắng hỗ trợ và tái hòa nhập cho người tị nạn và những người phải di tản khác để họ có thể được hưởng những lợi ích từ các chương trình của chính phủ và không phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Theo thống kê, hơn 172.900 người tị nạn đã đến bờ biển của châu Âu kể từ đầu năm 2016, phần lớn trong số đó đang chạy trốn khỏi những đất nước bị tàn phá bởi khủng bố như Syria, Iraq và Afghanistan. Cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay đã trở thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.
Nhiều người đổ lỗi cho sự can thiệp của các nước phương Tây vào những cuộc xung đột ở Trung Đông là lý do chính đằng sau quyết định phải rời khỏi quê hương của những người tị nạn.
Afghanistan vẫn đang ở trong tình trạng bất ổn 15 năm sau khi Hoa Kỳ và các nước đồng minh tấn công quốc gia này như là một phần của cuộc chiến tranh chống khủng bố của Washington. Nhiều người đã chạy trốn khỏi Afghanistan trong những năm chiến tranh, với một phần lớn trong số đó phải nương tựa vào các nước láng giềng và châu Âu.
Tố Quyên (Lược dịch từ PressTV & Reuters)