Đội tìm kiếm của công ty Ocean Infinity đưa thiết bị lặn không người lái xuống biển, vào ngày 24/1/2018 - Ảnh: AFP
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng giao thông mới của Malaysia cho biết hợp đồng tìm kiếm chuyến bay xấu số MH370 công ty tư nhân Ocean Infinity của Mỹ sẽ kết thúc vào thứ Ba tuần sau (29/5) và sẽ không ký kết thêm gì nữa.
"Sáng nay tôi đã nêu điều này trong nội các và đồng ý gia hạn đến ngày 29/5", bộ trưởng Anthony Loke thông tin với giới truyền thông trong ngày hôm nay 23/5 tại Putrajaya - thủ đô hành chính của Malaysia.
Khi được hỏi rằng điều đó có nghĩa là không có ký kết kéo dài hay mở rộng tìm kiếm thêm nữa, ông Loke đáp gọn: "Đúng vậy".
Chấm dứt vì tốn kém mà không hiệu quả
Bộ trưởng Loke giải thích rõ hơn: hợp đồng tìm kiếm chiếc Boeing 777 ban đầu dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 6, vì thỏa thuận tìm kiếm dài 90 ngày không bao gồm thời gian tàu tìm kiếm Seabed Constructor tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm.
Tuy nhiên, phía công ty Ocean Infinity - trụ sở tại Houston (Mỹ), đã hoàn thành việc rà soát khu vực tìm kiếm đặt ra từ hồi tháng Tư và đã yêu cầu gia hạn cho đến ngày 29/5, bộ trưởng Loke thông tin.
Bộ trưởng Loke - người mới tuyên thệ nhậm chức hôm 21/5, cho biết chính quyền sẽ công bố báo cáo đầy đủ về cuộc điều tra về chuyến bay MH370 bị mất tích sau khi cuộc tìm kiếm của công ty Mỹ hoàn tất, nhưng ông không xác định ngày công bố báo cáo đó.
Trong khi đó Voice 370 - nhóm đại diện cho thân nhân những người trên chuyến bay, đã kêu gọi chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad xem xét lại tất cả các vấn đề liên quan đến chuyến bay MH370, bao gồm "bất kỳ sự giả mạo hoặc che giấu hồ sơ nào liên quan đến MH370 và công việc bảo trì nó".
Giờ đây, bộ trưởng Loke chỉ khẳng định: "Tôi không biết bất cứ chi tiết nào có thể chưa được tiết lộ, nhưng là một bộ trưởng, tôi cam kết sẽ tiết lộ tất cả các chi tiết cho công chúng".
Quyết định ngừng tìm kiếm của chính quyền Mahathir có lẽ xuất phát từ việc công tác tìm kiếm không đem lại hiệu quả trong khi lại quá tốn kém. Nhà lãnh đạo 92 tuổi đã khẳng định chính phủ ông sẽ xem xét hợp đồng tìm kiếm và nêu rõ sẽ không tái tục hợp đồng nếu không cần thiết.
Ngày 8/3/2014, chuyến bay mang số hiệu MH370 trên hành trình từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã mất liên lạc với mặt đất.
Chuyến bay MH370 từng được thông báo bị "trê chuyến" trên bảng thông báo ở sân bay quốc tế Bắc Kinh vào ngày định mệnh 8/3/2014. Ảnh: Reuters
Một cuộc tìm kiếm quy mô lớn nhất trong lịch sử hàng không, do Úc dẫn đầu với sự tham gia của Trung Quốc và Malaysia, đã được tiến hành với chi phí lên đến 159,38 triệu USD trên diện tích 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương.
Cuộc tìm kiếm đã phải dừng lại từ tháng 1/2017 sau gần 3 năm nỗ lực không ngừng nghỉ vì không đạt hiệu quả.
Hồi đầu năm nay, Chính phủ Malaysia đã ký thỏa thuận với công ty thăm dò đáy biển Ocean Infinity có trụ sở tại Mỹ, nối lại hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370.
Nếu tìm thấy xác chiếc máy bay bị mất tích MH370 trong phạm vi 25.000 km2, công ty Ocean Infinity sẽ được trả 50 triệu USD.
Trong cuộc họp báo ngày 10/1, Bộ trưởng Giao thông Malaysia khi đó là ông Liow Tiong Lai cho biết phía Ocean Infinity sẽ tìm kiếm xác chiếc máy bay MH370 trong khu vực ưu tiên rộng 25.000 km2 trên cơ sở "không tìm thấy, không lấy phí".
Theo thỏa thuận, công ty này sẽ nhận được 20 triệu USD nếu tìm thấy xác chiếc máy bay trong khu vực tìm kiếm đầu tiên 5.000 km2; nhận 30 triệu USD nếu tìm thấy trong phạm vi mở rộng tìm kiếm 10.000 km2; và nhận 50 triệu USD nếu tìm thấy trong phạm vi 25.000 km2.
Tuy nhiên, nếu tìm thấy MH370 ngoài khu vực được khoanh vùng, Ocean Infinity sẽ được trả khoản tiền lên tới 70 triệu USD, hãng tin Reuters dẫn lời ông Liow.
Cũng theo Bộ trưởng Liow, ưu tiên hàng đầu của công ty Ocean Infinity trong lần này là tìm kiếm các mảnh vỡ hoặc hộp đen của máy bay, hoặc có thể là cả hai.
Để phục vụ cho việc tìm kiếm, công ty Ocean Infinity đã thuê tàu nghiên cứu Seabed Constructor của Na Uy, Con tàu, với thủy đoàn 65 người và 2 quan chức Hải quân Malaysia.
Các nhà điều tra của Úc thả xuống biển những mảnh của máy bay Boeing-777 vào ngày 23/3/2017 để tìm hiểu xem các mảnh vỡ trôi nổi thế nào trên biển - Ảnh: Reuters
Úc bác bỏ khả năng phi công tự sát
Các nhà điều tra Úc trong khi đó vừa bác bỏ giả thuyết chiếc máy bay MH370 mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị chính phi công cố ý lao xuống biển.
Cục An toàn giao thông Úc (ATSB) hôm 22/5 bảo lưu quan điểm phi công của chiếc máy bay xấu số trên đã bất tỉnh vào giai đoạn cuối hành trình bí ẩn. Các nhà điều tra của ATSB khẳng định MH370 hoàn toàn mất kiểm soát khi rơi xuống phía Nam Ấn Độ Dương.
Tuyên bố này nhằm phản bác ý kiến của một số chuyên gia được đưa ra trong chương trình truyền hình 60 Minutes (Úc) hồi đầu tháng này. Trong chương trình, cựu chuyên gia điều tra tai nạn máy bay người Canada Larry Vance cho rằng cơ trưởng Zaharie Amad Shah vẫn kiểm soát máy bay đến tận lúc nó rơi xuống biển.
Theo ông Vance, ATSB đã sai lầm khi kết luận về thời khắc cuối của MH370. "Phi công tự sát và không may là ông ta giết luôn mọi người trên máy bay. Ông ta cố tình làm thế" - ông Vance nhấn mạnh trong chương trình.
Nay Giám đốc phụ trách tìm kiếm của ATSB, ông Peter Foley lên tiếng bảo vệ cuộc điều tra của đơn vị mình, đồng thời quả quyết các điều tra viên đã tìm hiểu mọi thiết bị và bản phân tích được cung cấp.
Phát biểu trước một phiên điều trần của quốc hội Úc, ông Foley nói: "Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu về chiếc MH370. Nếu nói rằng nó được điều khiển đến phút chót thì ai đó đã điều khiển không ổn chút nào".
Theo Tuoitre