Quốc kỳ Việt Nam, Mỹ, và Triều Tiên. Ảnh: WATSUPASIA
Theo phân tích của báo chí thế giới, việc tổ chức thành công sự kiện quan trọng này sẽ đem đến rất nhiều lợi ích quan trọng cho Việt Nam, khi gần như cả thế giới đang hướng về Hà Nội. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và được kỳ vọng sẽ hướng tới kiến tạo hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Việt Nam - Địa điểm lý tưởng
Theo Hãng thông tấn AFP, Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên do Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Đây cũng là nơi có cả Đại sứ quán của Mỹ và Triều Tiên để thực hiện các bước chuẩn bị trước hội nghị thượng đỉnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam có mối quan hệ thân thiện với cả hai quốc gia. An ninh ở Việt Nam được thắt chặt ngay cả trong ngày thường.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia mà Triều Tiên có mối quan hệ tốt đẹp. Quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng được bắt đầu từ năm 1950. Trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Triều Tiên đạt 7,3 triệu USD, con số này đạt 579.000 USD trong năm 2018. Trong khi đó, Việt Nam có một vị trí quan trọng chiến lược đối với Mỹ.
Ông Vũ Minh Khương, nhà phân tích chính sách tại Trường Chính sách Công Lee Kuan Yew ở Singapore nhận định: “Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh có thể giúp thúc đẩy vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, giúp đất nước thu hút du lịch và đầu tư nước ngoài”.
Đáng chú ý, việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 và Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khu vực hồi năm ngoái cho thấy khả năng của đất nước trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh cấp quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của Hãng tin CNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Vì hòa bình của thế giới, vì một thế giới kết nối và phát triển, hãy bắt tay. Chúng ta sẽ cùng nhau phát triển và đóng góp cho sự ổn định toàn cầu… Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa của hòa bình và hòa giải. Đóng góp cho hòa bình là trách nhiệm của mỗi quốc gia”.
Trong khi đó, TTXVN dẫn lời Thủ tướng cho rằng, việc Thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh là một minh chứng rõ nét cho thấy vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Sự kiện này góp phần hiện thực hóa phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã được Đảng ta triển khai từ Đại hội Đảng XI (2011).
Một Hà Nội bận rộn hơn
Hãng thông tấn Yonhap ghi nhận, quốc kỳ của 3 nước được treo ở nhiều khu vực của Hà Nội. Một số chủ doanh nghiệp cũng nhanh chóng quảng bá về sự kiện này.
Nhà hàng Durty Bird ở thủ đô bổ sung thêm “đặc sản thượng đỉnh” vào thực đơn của mình. “Tôi làm những chiếc bánh mì kẹp này với các công thức đặc biệt để kỷ niệm Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội”, Colin Kelly, một đầu bếp người Ireland điều hành nhà hàng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Tuấn Dương, một thợ làm tóc ở Hà Nội cũng trở thành chủ đề của truyền thông khi tặng kiểu tóc Trump hoặc Kim miễn phí cho một số khách hàng của mình; bởi ông muốn làm một điều gì đó để cho thấy người dân Hà Nội chào đón các nhà lãnh đạo và hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình.
Cơ hội cho nước chủ nhà
Theo nhận định được đăng trên tờ Bloomberg, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ở Singapore với sự tham dự của hơn 3.000 nhà báo quốc tế đã giúp quốc gia này phủ sóng truyền thông thế giới và hưởng lợi lớn về du lịch. Tương tự, hiệu ứng tích cực này dự kiến cũng sẽ xuất hiện ở Việt Nam; nổi bật trong số đó là du lịch Hà Nội, nơi diễn ra sự kiện.
Trong khi đó, tờ The Diplomat chỉ ra, hình ảnh của Việt Nam sẽ được quảng bá miễn phí trên CNN, BBC và nhiều tờ báo lớn khác trên thế giới, thu hút sự chú ý của du khách, giới đầu tư, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ngày 27/2, 4 văn kiện hợp tác với tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD giữa Việt Nam và Mỹ đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các văn kiện bao gồm: Hợp đồng mua bán 100 máy bay Boeing MAX 737 giữa Vietjet Air và Boeing; Thỏa thuận mua bán động cơ máy bay và dịch vụ bảo dưỡng toàn diện trong 12 năm giữa Vietjet Air và GE Aviation; Hợp đồng mua bán 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner giữa Bamboo Airways và Boeing; và Bản ghi nhớ về cung cấp công nghệ và dịch vụ phần mềm ứng dụng quản lý hàng không giữa Tổng công ty hàng không Việt Nam và Công ty Sabre (Mỹ).
Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ: “Vừa đến Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người vì sự chào đón tuyệt vời ở Hà Nội. Rất đông người và rất nhiều yêu thương”.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói: “Tôi đã trải qua một hành trình dài hơn 3.000 km đến Việt Nam và cảm ơn đất nước vì sự chào đón nồng hậu và nhiệt tình”.
LÊ THẢO
(Tổng hợp và lược dịch từ The National Interest, CNN, Yonhap & Straitstimes)