Tổng thống Nga Putin thăm Pháp ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G7. Ảnh: TASS
Thông điệp từ chuyến thăm Pháp của Putin
Ngày 19/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm Pháp theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Chuyến thăm này rất đáng chú ý vì nhiều lí do.
Thứ nhất, chuyến thăm của ông Putin diễn ra chỉ 4 ngày trước khi khai mạc hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Pháp. Việc Tổng thống Pháp lựa chọn thời điểm này để mời ông Putin là có một dụng ý rõ ràng, mà như giới phân tích chính trị Pháp bình luận, thì đó giống như là việc mời Tổng thống Nga tham dự G7 một cách gián tiếp.
Tiếp theo, ông Macron cũng đã đón tiếp ông Putin tại khu nghỉ Hè ở pháo đài Bregancon, trong một khung cảnh rất gần gũi, chứ không phải là một cuộc đón tiếp theo lễ tân ngoại giao khô cứng ở thủ đô Paris. Điều này cho thấy là cá nhân ông Macron muốn xây dựng một mối quan hệ đối thoại thân thiết hơn với ông Putin.
Trên thực tế thì chính sách đối ngoại của Pháp đối với Nga đã thay đổi nhiều trong thời gian qua. Hồi tháng 6/2019, Pháp đã mời Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev đến Pháp hội đàm về việc tăng cường quan hệ kinh tế và trao đổi văn hoá.
Tiếp đến, trên cương vị là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, Pháp đã ủng hộ để Nga lấy lại đầy đủ tư cách thành viên tại đây sau hơn 5 năm Nga bị treo vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Năm nay, với tư cách Chủ tịch G7, Tổng thống Pháp mời Tổng thống Nga đến Pháp chỉ vài ngày trước khi Thượng đỉnh G7 khai mạc. Đây là các động thái ghi nhận sự chuyển hướng chiến lược rất quan trọng của giới ngoại giao Pháp.
Rất nhiều chính trị gia kỳ cựu, như cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đã lên tiếng ủng hộ sự thay đổi này, cho rằng đã đến lúc Pháp phải tiếp cận với Nga bằng một chính sách đối ngoại thực tế. Nhiều nhà ngoại giao khác của Pháp thậm chí đã so sánh sự thay đổi này như là việc quay trở lại với chính sách đối ngoại thời tướng De Gaulle trong Chiến tranh Lạnh, khi Pháp luôn nỗ lực xây dựng sự độc lập chiến lược với Mỹ, đồng thời cân bằng quan hệ với Liên Xô.
Hiện tại, Pháp đang có xu hướng đi trên con đường này, bằng cách làm ấm lại quan hệ với Nga nhằm đối trọng với sự thay đổi tiêu cực trong chính sách của Mỹ đối với các đồng minh châu Âu.
Vì thế, thông điệp Pháp truyền đi là rất rõ ràng, dù hiện tại giữa Pháp và Nga vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng lớn như Ukraine, Syria hay xung đột lợi ích ở Trung Phi. Về phía Nga, đương nhiên Tổng thống Vladimir Putin đón nhận cách tiếp cận mới này của Pháp bởi nó cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của Nga vẫn rất quan trọng trên bản đồ an ninh toàn cầu.
Chủ đề Nga sẽ phủ sóng tại Hội nghị G7?
Chủ đề đầu tiên liên quan đến Nga mà các nước G7 có thể thảo luận, đó là việc có nên sớm đưa Nga trở lại nhóm này để thành G8 như trước kia hay không. Tuy nhiên, G7 năm nay có rất nhiều chủ đề nóng bỏng khác mà các nước thành viên sẽ phải bàn thảo, như việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, hay các tác động của chiến tranh thương mại…
Ngay cả chủ đề chính của hội nghị G7 năm nay mà nước Pháp đề ra là đấu tranh chống bất công xã hội. Vì thế, trong khuôn khổ các phiên họp của G7 thì sẽ khó có khả năng các bàn thảo về Nga chiếm vị trí trọng tâm. Tuy nhiên, do nước Nga vẫn giữ vai trò quan trọng về mặt an ninh trên thế giới nên khi G7 bàn về các chủ đề lớn khác chắc chắn sẽ phải tính đến yếu tố Nga.
Trước hết là các hồ sơ về Iran, về Syria thì Nga đều có liên hệ trực tiếp, hoặc nắm vai trò then chốt. Tình hình tại miền Đông Ukraina cũng không thể cải thiện nếu không có sự hợp tác tại Nga.
Cuối cùng, các nước châu Âu trong G7 có thể sẽ nêu lên quan ngại về môi trường an ninh tại châu Âu bị suy giảm sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF về cấm tên lửa tầm trung, khiến gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang. Trong chủ đề này, Nga cũng là nhân tố chính mà G7 không thể không tính đến.
Khả năng Nga quay lại G7?
Việc Tổng thống Mỹ, Donald Trump lên tiếng muốn Nga quay lại G7 nói lên rất nhiều điều. Trên thực tế thì ông Trump chỉ nói ra điều mà rất nhiều lãnh đạo phương Tây đã tính đến lâu nay, đó là sẽ đến lúc phải đưa Nga quay trở lại G7.
Điều khác biệt, đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump là người hành xử tương đối bất quy tắc và hay phát ngôn thẳng trên mạng xã hội chứ không chặt chẽ về mặt chính trị như các chính trị gia truyền thống. Từ khi lên làm Tổng thống Mỹ, ông Trump hầu như không quan tâm gì đến tình hình Ukraine và đã nhiều lần muốn nối lại quan hệ với Nga và cá nhân ông Putin. Trong chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ dưới thời ông Trump thì lợi ích của Mỹ là trên hết và việc đưa Nga trở lại G7 có thể mang lại một số lợi ích cho Mỹ.
Các nước khác trong G7, đặc biệt là 4 nước châu Âu thì khó xử hơn bởi các nước này luôn muốn giữ điều kiện tiên quyết là Nga phải sửa chữa điều mà các nước này cho là “sai lầm” trong khủng hoảng Ukraine, như việc sát nhập Crimea và ủng hộ phe ly khai ở Donbass, thì mới cho phép Nga quay lại G7.
Thực ra thì đây là các điều kiện mang tính nguyên tắc của châu Âu mà các nước này buộc phải giữ. Cũng cần nhắc lại rằng, G7 vốn là một thiết chế không chính thức, không phải là một dạng định chế có tổ chức bộ máy thường trực. G7 tập hợp các nước phát triển hàng đầu trên các giá trị mà các nhóm nước này đề cao như tự do, dân chủ… vì thế dù muốn hay không thì các nước như Pháp, Đức hay Anh vẫn không thể thoải mái chấp nhận việc Nga quay lại như cách mà Tổng thống Mỹ, Donald Trump đề cập.
Tuy nhiên, về thực tế chính trị thì châu Âu có lẽ coi những gì xảy ra tại Ukraine là việc đã rồi nên cũng không thể coi đó là điều kiện tiên quyết để đưa Nga trở lại G7.
Trong cuộc gặp Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Macron cũng đề cập rất nhiều đến tình hình Ukraine, với ngụ ý rằng nếu tình hình Ukraine tiến triển tích cực thì quan hệ Nga với phương Tây sẽ có bước ngoặt. Vì thế, nếu sắp tới cuộc gặp 4 bên tại Pháp theo cơ chế Normandy giữa Pháp-Đức-Nga và Ukraine đạt được kết quả thuận lợi và Thoả thuận Minsk được thực thi trở lại thì quan hệ Nga- phương Tây có thể sẽ nồng ấm lại và khi đó G8 có thể được tái lập.
Theo VOV