Thoả thuận thương mại tự do EU-Nhật Bản được thông qua với 474 phiếu thuận và 156 phiếu chống tại Nghị viện châu Âu. Ảnh: EU
Thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào tháng 2/2019 và được xem như một chiến thắng của châu Âu về thương mại tự do trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lan rộng, và quyết định rời khỏi EU của Anh.
Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom nói rằng, “Quan hệ đối tác kinh tế của chúng tôi với Nhật Bản - khu vực thương mại lớn nhất từng được đàm phán - hiện đang rất gần với việc trở thành hiện thực”.
Với 474 phiếu thuận và 156 phiếu chống, thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nền kinh tế bao gồm hơn 630 triệu người và chiếm 1/3 GDP toàn cầu đã vượt qua những thử thách cuối cùng để được thông qua tại nghị viện châu Âu. Thỏa thuận này đã được thảo luận từ năm 2013.
Một khi thoả thuận có hiệu lực, nó sẽ điều tiết gần như tất cả thương mại giữa nền kinh tế lớn của châu Á và 27 nền kinh tế còn lại của EU và sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân châu Âu.
Thoả thuận này cũng giành được sự ủng hộ từ nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Markus Beyrer, Tổng Giám đốc BusinessEurope, với việc phê chuẩn hiệp định tự do thương mại EU-Nhật Bản, Nghị viện Châu Âu đã cung cấp những gì mà doanh nghiệp và công dân cần trong thời điểm bất ổn về chính trị và kinh tế.
Thỏa thuận này được dự kiến sẽ tăng xuất khẩu giữa hai nền kinh tế lên 34% đối với EU và 29% đối với Nhật Bản, tự do hóa tới 99% thương mại song phương, ông Markus Beyrer cho biết thêm. Đồng thời, việc xóa bỏ thuế quan sẽ giúp người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu tiết kiệm 1 tỷ euro mỗi năm tại EU và sẽ hỗ trợ tăng việc làm đáng kể, tối đa hóa lợi ích cho cả công ty và người dân.
Sau khi được thực hiện đầy đủ, khoảng 85% sản phẩm nông nghiệp của EU sẽ đủ điều kiện xuất khẩu miễn thuế sang Nhật Bản, mặc dù trong một số trường hợp, điều này sẽ diễn ra sau một thời gian chuyển đổi.
Theo Hiệp định, phía Nhật Bản sẽ gỡ bỏ mức thuế lên tới 30% với các sản phẩm phomát và 15% với các loại rượu nhập từ EU. Ngược lại, người Nhật sẽ giành được quyền tiếp cận miễn phí vào thị trường ô tô châu Âu sau nhiều năm chuyển đổi.
Với thỏa thuận này, EU đang tìm cách tiếp cận một trong những thị trường giàu có nhất thế giới, trong khi Nhật Bản hy vọng sẽ có bước tiến lớn trong nền kinh tế vốn đang chật vật để tìm kiếm sự tăng trưởng vững chắc trong hơn một thập kỷ qua.
Tố Quyên (Lược dịch từ Japan Times)