Chủ Nhật, 16/06/2019 14:56
(GMT+7)
Nghịch lý ở Mỹ: Thâm hụt “khủng” bất chấp nền kinh tế tăng trưởng liên tục
TTH.VN - Sau 2 kỳ tăng trưởng kinh tế nổi bật vào năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế Mỹ được dự đoán có thể sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm nay.
Ảnh minh họa: AFP
Theo thông tin trên tờ AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã triển khai nhiều chính sách, đồng thời đánh giá rất cao tình hình kinh tế Mỹ với tỷ lệ thất nghiệp giảm đến mức thấp nhất trong lịch sử, cùng một vài dấu hiện tích cực khác. Tuy nhiên, một nghịch lý đang diễn ra là thâm hụt ngân sách chính phủ vẫn tăng chóng mặt, bất chấp nguồn thu thuế quan tăng mạnh.
Sau 2 kỳ tăng trưởng kinh tế nổi bật vào năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế Mỹ được dự đoán có thể sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm nay.
Nhờ tăng trưởng liên tục từ giữa năm 2009 đến nay, tháng 7 tới đây sẽ đánh dấu thời kỳ mở rộng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ. Với một nền kinh tế lành mạnh, đây có thể là thời điểm lý tưởng để các chính phủ tăng cường tài chính, giảm nợ và chuẩn bị kỹ hơn cho nguy cơ xảy ra biến động trong tương lai.
Tuy nhiên, nước này lại được dự báo có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2019. Thậm chí, nhiều nhà kinh tế học đã nghĩ đến viễn cảnh suy thoái kinh tế, nhất là khi thâm hụt liên bang ghi nhận trong tháng 5 vừa qua đã đạt mức kỷ lục 208 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả hàng tỷ USD thu được từ các cuộc chiến thương mại đa quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không thể bù đắp được phần nào. Nguyên nhân chính là do số tiền này dùng để hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế quan áp dụng cho hàng hóa Mỹ bởi Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Đồng thời, nợ chính phủ cũng đang tăng và hiện đang lớn hơn sản lượng kinh tế hằng năm ghi nhận ở mức hơn 22 nghìn tỷ USD.
Được biết, lần cuối cùng Mỹ thông báo thặng dư ngân sách là thời kỳ bùng nổ kinh tế dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Bill Clinton thuộc Đảng Dân chủ hồi năm 1999 và 2000.
Đan Lê (Lược dịch từ AFP)