Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (Ảnh: Lê Phương)
Chiều ngày 13/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có buổi trò chuyện cùng với sinh viên, thanh niên của chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Đây cũng là bài phát biểu cuối cùng của ông Kerry tại khu vực châu Á trong vai trò ngoại trưởng Mỹ.
Mở đầu bài phát biểu, ông John Kerry cho hay hai nước đã vượt qua quá khứ đau thương để xây dựng mối quan hệ mới. "Không phải tự nhiên mà chúng ta có một mối quan hệ mới mà đó là nỗ lực của rất nhiều người tin vào khả năng của hòa bình, cũng như khả năng khép lại quá khứ... Tôi muốn cảm ơn những người bạn đã góp phần đưa hai nước đến một quan hệ mới như hiện thời”.
“Chúng ta không thể trở thành tù nhân của quá khứ. Đó là lý do tôi đã có thể đến và nói chuyện với các bạn hôm nay. Các bạn hãy nghĩ xem chỉ trong 20 năm trở lại đây, quan hệ giữa chúng ta đã thay đổi như thế nào. Cách đây 20 năm, số người Mỹ sang thăm Việt Nam chưa đến 60.000 người, hiện nay mỗi năm khoảng nửa triệu người dân Mỹ sang thăm Việt Nam. Cách đây 20 năm, quan hệ song phương thương mại hàng hóa chỉ có giá trị tương đương khoảng 451 triệu USD, nay con số đó là trên 45 tỷ USD. Cách đây 20 năm, chưa đến 800 sinh viên Việt Nam đi du học Mỹ, nay đã có hơn 21.000 người”.
Khi đứng tại hội trường có lịch sử 50 năm của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng “đây là nơi tuyệt vời để tôi đến và suy nghĩ về tương lai của quan hệ song phương. Tôi biết trường này rất danh tiếng vì những quan hệ hợp tác với các công ty Mỹ, vì phương pháp giảng dạy tiên tiến, vì những phòng thí nghiệm đã tạo ra những sáng kiến mới về công nghệ điện tử, máy móc. Tôi tin rằng, ý chí trẻ trung ở khán phòng này đủ để biến tóc tôi thành màu nâu trở lại. Tôi phải cảm ơn các bạn một lần nữa để giúp chúng ta xây dựng lại quan hệ giữa hai nước”.
Chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của Việt Nam
Ông John Kerry chia sẻ rằng mình rất hân hạnh được trực tiếp chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong của Việt Nam. Từ một đất nước chìm trong chiến tranh, trong vòng 20 năm, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã thay đổi hẳn.
“Trên đường đến đây, tôi thấy nhiều người chở những chiếc máy lạnh bằng xe máy, có cảm giác của sự vội vã. Chúng tôi nhìn thấy từ ý chí từ máy tính, từ điện thoại di động thông minh và ở đây không ai bị ám ảnh của quá khứ. Mọi người trên thế giới cần biết điều đó vì Việt Nam là một ví dụ rất tuyệt vời về những gì có thể đạt được khi một người dành thời gian suy nghĩ về những khả năng mới”, ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Mỹ đánh giá rằng nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới và việc ông quay trở lại Việt Nam nhiều lần vì một lý do rất đơn giản là tái cân bằng quan hệ của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương cũng như đặt mối quan tâm đến vấn đề xây dựng mối quan hệ hợp tác ngày càng mạnh với Việt Nam.
“Chúng tôi rất coi trọng những lợi ích của chúng tôi tại đây, những lợi ích đó bao gồm cơ hội tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững nhờ thương mại, những chính sách tạo ra sáng kiến. Chúng tôi cũng hợp tác an ninh trong khu vực, gìn giữ thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, cùng chống lại những nguy cơ cực đoan cũng như vi phạm về phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng tôi muốn đồng hành cùng châu Á - Thái Bình Dương đẩy mạnh cuộc cách mạng năng lượng sạch, giảm thiểu biến đổi khí hậu đồng thời xúc tiến những nền kinh tế trên thế giới. Chúng tôi muốn khuyến khích Việt Nam và các nước trong khu vực tôn trọng quyền con người”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Quan hệ Việt - Mỹ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính quyền ở Washington
Ông Kerry cũng nhấn mạnh rằng sự thay đổi chính quyền ở Washington sẽ không thay đổi hay làm xói mòn những cam kết của Mỹ với an ninh thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương. Quan hệ hữu nghị của hai nước không phụ thuộc vào cá nhân tổng thống nào, hay đảng phái này hay đảng phái kia. Quan hệ hai nước được xây dựng trên những lợi ích chung về những gì đã đồng ý với nhau ở tương lai.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (Ảnh: Lê Phương)
Ông Kerry khẳng định phía Mỹ hướng hoàn toàn vào tương lai để làm sâu rộng quan hệ hợp tác toàn diện, mở rộng chương trình làm việc song phương mà hai nước đã tạo ra trong đó có giáo dục, biến đổi khí hậu, khoa học, y tế, internet, công nghệ cao, quyền con người và hợp tác quốc phòng.
Về mặt kinh tế, ông Kerry cho rằng Việt Nam là thị trường cho hàng hóa xuất khẩu ở Mỹ mà đang tăng trưởng nhanh nhất. Ông tin tưởng rằng dù số phận TPP như thế nào nhưng nếu Việt Nam tiếp tục cam kết cải cách thì điều này sẽ giúp tạo ra những sáng kiến, tạo ra các doanh nghiệp mới.
Về mặt giáo dục, phía Mỹ đang thúc đẩy sớm việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam. Ngoại trưởng Kerry cho biết kế hoạch động thổ trường này sẽ diễn ra trong năm nay và hi vọng Đại học Fulbright Việt Nam ra đời sẽ giúp tạo ra nhiều sự thay đổi.
"Tôi sẽ trở lại"
Cuối buổi nói chuyện, ông Kerry chia sẻ: “Đây có thể là bài phát biểu cuối cùng của tôi tại châu Á với tư cách là ngoại trưởng. Tuy nhiên tôi có nhiều bạn là người Việt Nam và chúng tôi rất quý nhau. Hãy cùng nhau người Mỹ và người Việt đã xây dựng một tương lai tốt hơn. Tôi rất vui mừng vì chúng ta đã quyết định làm như thế. Dù đây là chuyến thăm cuối cùng tư cách là ngoại trưởng nhưng tôi cam kết sẽ quay lại Việt Nam với tư cách là công dân. Trong thời gian có thể, tôi sẽ tiếp tục cam kết xây dựng một mối quan hệ gần gũi giữa người dân hai nước”.
Theo Dantri