ClockThứ Năm, 27/06/2019 20:12

Nhật Bản đẩy mạnh nỗ lực xử lý rác thải nhựa tại Hội nghị G20

TTH - Với sự quy tụ của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Nhật Bản tuyên bố sẽ dẫn đầu các nỗ lực quốc tế để xử lý rác thải nhựa - một thảm họa môi trường mà người dân nước này muốn ưu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Osaka trong 2 ngày 28/6-29/6.

Đối phó với rác thải nhựa: Chủ đề nóng ở Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 34ASEAN sẽ cam kết giải quyết rác thải biển

Rác thải nhựa đại dương sẽ là một trong những nội dung hàng đầu của chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng Nhật Bản – quốc gia thải ra lượng rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, cũng phải làm nhiều hơn để đối phó với nguy cơ rác thải chất đống ngay trước cửa nhà.

Số liệu cho thấy, người tiêu dùng Nhật Bản sử dụng khoảng 30 tỷ túi nhựa mỗi năm. Trang Bloomberg mới đây trích dẫn một nghiên cứu của Đại học Thương mại Osaka cho biết Osaka Bay - một vịnh gần nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, chứa khoảng 3 triệu túi nhựa và 6 triệu mảnh nhựa khác.

Trong khi Quốc hội Châu Âu hồi tháng 3 năm nay đã thông qua luật cấm nhựa sử dụng một lần ở tất cả các quốc gia thành viên vào năm 2021 thì Nhật Bản, cùng với Mỹ, đã không ký Điều lệ về chống rác thải nhựa ra đại dương trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm ngoái – điều lệ cam kết tái sử dụng, tái chế và thu gom tất cả các sản phẩm nhựa vào năm 2030. Thay vào đó, chính phủ Nhật Bản cam kết giảm 25% rác thải nhựa vào năm 2030.

Trước đây, Nhật Bản thường gửi 1,5 triệu tấn chất thải nhựa tới Trung Quốc mỗi năm cho đến khi Bắc Kinh cấm nhập khẩu vào năm 2017, và hiện đang chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, với quyết tâm không trở thành bãi rác nhựa của châu Á, các quốc gia như Malaysia và Philippines hiện đang gửi trả lại các lô rác thải. Do đó, rác thải nhựa đang nằm trong các nhà kho ở Nhật và các lò đốt rác hoạt động hết công suất.

Trong bối cảnh đó, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một gói các chính sách nhằm giảm rác thải nhựa, trong đó có kế hoạch yêu cầu các siêu thị và các cửa hàng tính phí cho túi nhựa dùng một lần từ tháng 4 tới. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng động thái này không đủ mạnh vì nhiều quốc gia khác đã áp dụng việc cấm túi nhựa ở siêu thị.

Hồi đầu tháng này, cuộc họp của các Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng G20 tại thị trấn Karuizawa, miền Trung Nhật Bản đã thống nhất thiết lập một khuôn khổ quốc tế kêu gọi các nước tự nguyện thực hiện các bước đi để giảm thiểu lượng nhựa sử dụng một lần, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm giảm lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương. Theo Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada, thỏa thuận này được coi là một thành tựu quan trọng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra cuối tuần này.

Với các chính sách nhằm giảm rác thải nhựa thải, Nhật Bản đang rất nỗ lực để nâng tầm quan trọng của vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh G20. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng khẳng định  rác thải nhựa đại dương sẽ là một trong những nội dung hàng đầu của chương trình nghị sự tại G20.

Rác biển, đặc biệt là vi nhựa và rác nhựa trên biển, là một vấn đề đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp vì những tác động bất lợi của nó đối với hệ sinh thái biển, sinh kế và các ngành công nghiệp bao gồm thủy sản, du lịch và vận chuyển, và có khả năng gây tác động xấu với sức khỏe con người, một thông cáo nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Guardian)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top