Một cửa hàng thời gian giảm giá ở Tokyo, Nhật Bản ngày 29/6/2016. Ảnh: Reuters
Doanh số bán lẻ giảm 1,9% trong tháng 5/2016 so với 1 năm trước đó, giảm sâu hơn so với dự báo trung bình sẽ giảm khoảng 1,6%, số liệu từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy.
Con số này thể hiện tình trạng tương đối mong manh của nền kinh tế Nhật Bản, với tốc độ tăng lương chậm và triển vọng phục hồi mức chi tiêu hộ gia đình là khá ảm đạm.
"Chi tiêu tiêu dùng vẫn đang bị trì trệ và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa do sự tăng trưởng chậm chạp của tiền lương", ông Hidenobu Tokuda - nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Mizuho nhận định.
"Một đồng yên mạnh sẽ hạ giá nhập khẩu xuống thấp, đó là tín hiệu tích cực đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngược lại, việc tăng giá đồng yên sẽ làm tổn thương ngành xuất khẩu, ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của doanh nghiệp và chi tiêu vốn", ông Tokuda cho biết thêm.
Sự xáo trộn thị trường sau cuộc bỏ phiếu quyết định Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) càng làm cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản thêm đau đầu trước nỗi lo lo sự tăng giá của đồng yên gần đây sẽ gây thiệt hại cho xuất khẩu.
"Sự bất ổn và rủi ro vẫn còn tồn tại trên các thị trường tài chính", Thủ tướng Shinzo Abe cho biết trong một cuộc họp được tổ chức sáng nay (29/6) với Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhằm thảo luận về sự phát triển của thị trường tài chính.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đang cảnh giác trước kế hoạch mở rộng gói kích thích tiền tệ, muốn chờ xem liệu tình trạng thị trường bất ổn có kéo dài đủ lâu đến mức đe dọa sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản hay không, nguồn tin cho biết.
Theo đó, một nhiệm vụ được đặt ra cho chính phủ là sẵn sàng chi ít nhất 10 nghìn tỷ yên (97,6 tỷ USD) cho một gói kích thích kinh tế, bao gồm việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương bởi những biến động tăng giá của đồng yên.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & a1)