ClockThứ Bảy, 12/03/2016 15:31

Nhật Bản tăng cường hỗ trợ ASEAN về an ninh hàng hải

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 11/3 đã ban hành Sách trắng mới nhất về Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) của nước này, trong đó nhấn mạnh việc mở rộng viện trợ cho các nước Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực an ninh hàng hải.

Giáo sư Thayer: Việt Nam cần tăng cường năng lực hàng hảiMỹ, Nhật Bản xúc tiến tổ chức đối thoại về an ninh hàng hảiSách Trắng ODA Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN

Tàu bảo vệ bờ biển của Hải quân Nhật Bản (Ảnh: AFP)

Báo Japanese Times của Nhật Bản hôm qua đưa tin trong Sách trắng về ODA mới được công bố, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước ASEAN, cả về chính trị cũng như kinh tế, bởi các nước này nằm dọc các tuyến đường biển then chốt và có mối quan hệ kinh tế vững chắc với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Sách trắng nhận định việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực là vô cùng quan trọng, đồng thời nêu ra các biện pháp nhằm củng cố mối quan hệ giữa Tokyo và ASEAN như phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố pháp quyền, an ninh hàng hải, an ninh mạng, củng cố các biện pháp hòa bình.

Mặc dù đã viện trợ cho các nước châu Á để phát triển cơ sở hạ tầng trong nhiều năm nay, song trong Sách trắng mới này, Nhật Bản nhấn mạnh sẽ không chỉ tăng cường viện trợ về số lượng mà còn chú trọng đến chất lượng, hiệu quả của các khoản viện trợ.

Các chuyên gia nhận định Sách trắng về viện trợ ODA của Nhật Bản năm nay khác với năm trước vì đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải, gián tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông. Tokyo cũng cam kết góp phần gìn giữ trật tự dựa trên các giá trị quốc tế tại khu vực Đông Á.

Giới chuyên gia cũng cho rằng việc Nhật Bản quyết định tăng cường viện trợ cho ASEAN là nhằm củng cố các đồng minh trong khu vực, đối phó với những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

Năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố sẽ cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nâng tổng số tiền đầu tư vào các nước châu Á lên khoảng 110 tỷ USD từ nay đến năm 2020. Ngoài ra, Tokyo cũng sẽ cải tổ mạnh mẽ Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Tổ chức Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu và đầu tư Nhật Bản NEXI nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng.

Cũng trong năm 2015, Nhật Bản đã sửa đổi Hiến chương Hợp tác Phát triển, theo đó cho phép sử dụng viện trợ của nước này nhằm hỗ trợ các lực lượng vũ trang nước ngoài trong các hoạt động phi quân sự như cứu trợ thảm hoạ, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ bờ biển…

Các chuyên gia nhận định các chương trình ODA của Nhật Bản trong tương lai có thể đặt nền móng cho các nước ASEAN trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu khí.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

Với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn tỉnh, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang là đối tác quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào Thừa Thiên Huế.

Thu hút vốn FDI từ Nhật Bản

TIN MỚI

Return to top