Hai nước láng giềng, hai kỳ phùng địch thủ truyền kiếp đang có những bước tiến nhằm xoa dịu nỗi đau của quá khứ, cho dù nhiều người dân Hàn Quốc vẫn còn khắc cốt, ghi tâm sự đối xử tàn nhẫn của Đế quốc Nhật trước đây.
|
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ảnh: Reuters/Yonhap
|
Trong hàng thập kỷ, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tiếp buộc tội và yêu sách lẫn nhau về mọi thứ, từ đòi lãnh thổ cho đến diễn đạt lịch sử chung giữa hai nước, những vấn đề về thương mại và những vụ việc cụ thể hơn như việc công nhận phụ nữ Hàn Quốc bị cưỡng ép làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật trước và trong Thế chiến II.
Sự đối đầu thậm chí lan sang vấn đề dải lãnh hải phân cách hai nước. Tokyo cho rằng đó là Biển Nhật Bản, còn Seoul khăng khăng phần lãnh hải này thuộc Biển Đông.
Với bề dày quá khứ bất hoà giữa hai nước, bao gồm cuộc xâm chiếm bán đảo Triều Tiên của Đế quốc Nhật vào năm 1910 và việc binh sỹ Nhật thường sử dụng sức mạnh tàn bạo để uy hiếp dân cư trên đảo cho đến khi thua trận vào năm 1945, thì sự đối địch và làn sóng công phẫn thỉnh thoảng bùng phát là điều không thể tránh khỏi.
Song chỉ trong vòng một vài tuần qua, quan hệ giữa hai nước có dấu hiệu khởi sắc đáng kể sau một loạt các thoả thuận và nhượng bộ song phương đạt được.
Vào tháng 8/2016, Nhật công bố sẽ tài trợ 1 tỉ Yen cho Tổ chức Hàn gắn và Hòa giải của Hàn Quốc. Tổ chức này có nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho 46 "nô lệ tình dục” cho binh sỹ Nhật trước đây còn sống và gia đình của 199 phụ nữ thuộc diện này đã mất. Quỹ này cũng sẽ được sử dụng để trang trải chi phí mai táng các nạn nhân.
Nhật Bản nhận lỗi?
Mặc dù tuyên bố "nhận thức một cách đau buồn về phần trách nhiệm của mình” đối với vấn đề nô lệ tình dục khi thoả thuận song phương được ký vào năm trước, song Nhật đã từ lâu cho rằng mọi bồi thường đã được thanh toán theo Hiệp định 1965. Vì vậy, hành động trợ cấp tài chính cho các nạn nhân này được xem là một động thái thừa nhận sai lầm và chuộc lỗi.
Vào ngày 27/8, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo II-ho và người đồng cấp Nhật Bản, Taro Aso, đã tổ chức đàm phán ở Seoul và tại đây hai bên đã nhất trí tiến hành đàm phán về một chương trình trao đổi ngoại tệ mới nhằm tăng cường sự ổn định của các thị trường tài chính trong khu vực và củng cố hợp tác kinh tế. Hiệp định cũ đáo hạn vào tháng 2/2015, thời gian bất đồng sâu sắc giữa hai nước nên đã cản trở những nỗ lực nối lại hiệp định này.
Vào ngày 28/8, các bộ trưởng văn hoá Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành các sự kiện văn hoá chung trong thời gian Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội Olympic 2018, Tokyo chủ trì Olympic mùa hè 2020 và Bắc Kinh là nơi tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022.
Theo ông Jun Okumura, học giả Viện những Vấn đề Toàn cầu Meiji: "Quan hệ tốt hơn rõ ràng phù hợp với lợi ích của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt trước sự đe doạ hiện hữu từ Bắc Triều Tiên và khi mối quan hệ được cải thiện trước đây của Seoul với Bắc Kinh đang sa sút."
Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa
Mối quan hệ Hàn - Trung xấu đi kể từ khi Hàn Quốc tuyên bố có ý định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của quân đội Mỹ để chống lại mối đe doạ tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Bất chấp những cam kết của Hàn Quốc, Trung Quốc coi THAAD mà mối đe doạ cho sự phòng thủ của mình và đáp lại bằng một loạt các hành động quy mô nhỏ, như tăng yêu sách về thủ tục giấy tờ đối với khách du lịch Hàn Quốc.
Học giả Okumura nhận định: "Hàn Quốc hiểu rằng Trung Quốc luôn đòi hỏi quyền lợi của mình từng ly từng tí và Seoul hoàn toàn không thấy thoải mái với cách hành xử Bắc Kinh để bá chủ khu vực”.
Do vậy, theo ông Okumura, thắt chặt quan hệ hữu hảo với Nhật và Mỹ, nước đóng vai trò bảo vệ cho Hàn Quốc kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, là một giải pháp hiển nhiên.
Những nốt thăng trầm trong quan hệ Nhật - Hàn
Ông Okumura cho biết: "Quan hệ Hàn Quốc và Nhật luôn trải qua những giai đoạn thăng trầm, song chừng nào 'Tứ trụ' trong nền chính trị Nhật, gồm thủ tướng, ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và chánh văn phòng nội các, không đến thăm Đền Yasukuni, thì tôi không thấy có bất kỳ vấn đề gì lớn trong tương lai gần có thể đe doạ đến mối quan hệ song phương đang được cải thiện này”.
Đền Yasukuni ở Tokyo được xem là nơi yên nghỉ của hàng triệu người Nhật đã thiệt mạng trong chiến tranh. Tuy nhiên, việc các quan chức Nhật thăm đền Yasukuni luôn vấp phải sự phản đối ở các nước láng giềng vì nơi này cũng tưởng nhớ các phạm nhân chiến tranh Loại A bị quân đồng minh hành quyết sau khi Tokyo thất thủ.
Nguyên đại sứ Hàn Quốc tại Nhật, Rah Jong-yil, bày tỏ sự vui mừng về mối quan hệ khởi sắc này "vì có quá nhiều nguyên nhân để trở thành những nước láng giềng thân thiết hơn” song ông e ngại rằng thái độ thù địch đã ăn sâu về dư âm cuộc xâm lược của thực dân Nhật trên bán đảo Triều Tiên có thể tiếp tục bao phủ mối quan hệ Nhật - Hàn.
Ông nói: "Ác cảm đã tồn tại từ lâu và không thể dễ dàng quên ngay ký ức xưa. Dĩ nhiên, tôi hoan nghênh mối quan hệ tốt hơn giữa hai nước, song chúng ta không thể biết chưa điều gì sẽ diễn ra trong những tuần tới và các tháng tiếp theo. Mối quan hệ này vẫn có thể xấu trở lại bất cứ lúc nào."
Bà Kim Bok-dong, một "nô lệ tình dục” trong chiến tranh, cho phương tiện thông tin đại chúng Hàn Quốc biết rằng bà sẽ từ chối nhận tiền hỗ trợ của Nhật vì Nhật Bản chưa đưa ra một lời xin lỗi có ý nghĩa hay bồi thường thoả đáng cho những đau khổ bà đã trải qua./.
Theo VOV