|
Biểu tượng của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) - Ảnh: AFP |
Trong một tuyên bố ngày 24/4, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cho biết đã xác định "gần 9.000 máy chủ điều khiển theo lệnh (command and control) và hàng trăm trang mạng bị nhiễm mã độc, bao gồm cổng thông tin điện tử của chính phủ".
Các máy chủ điều khiển theo lệnh có thể được dùng để kiểm soát các phần mềm độc hại bao gồm virút máy tính, phần mềm gián điệp và các chương trình độc hại khác.
Interpol cho biết "phân tích đã xác định gần 270 trang mạng bị nhiễm mã độc thông qua việc khai thác các lỗ hổng trong ứng dụng thiết kế trang mạng. Trong số đó có nhiều trang mạng chính phủ có thể chứa dữ liệu cá nhân của công dân nước họ".
Interpol cho biết tổ chức cũng đã xác định các nhà khai thác trang mạng lừa đảo, trong đó có một trang liên kết đến Nigeria và một trang ở Indonesia. Interpol cho biết họ vẫn đang tiếp tục điều tra các nghi phạm khác.
Channel NewsAsia cho biết hoạt động an ninh không gian mạng liên quan đến các nhà điều tra từ nhiều nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài ra hoạt động này cũng liên quan đến các chuyên gia từ 7 công ty tư nhân là Trend Micro, Kaspersky Lab, Cyber Defense Institute, Booz Allen Hamilton, British Telecom, Fortinet và Palo Alto Networks.
Giám đốc Khu liên hợp Toàn cầu về các Cải tiến Interpol (IGCI) Noboru Nakatani cho biết hoạt động trên là một ví dụ hoàn hảo về cách thức các khu vực công và tư nhân làm việc cùng nhau để chống lại tội phạm mạng.
"Chia sẻ thông tin tình báo là nền tảng cho sự thành công của hoạt động này và sự hợp tác như vậy là rất quan trọng để đem lại hiệu quả dài hạn trong việc quản lý các mạng lưới hợp tác cho các hoạt động trong tương lai và hoạt động hằng ngày trong cuộc chiến chống tội phạm mạng" - ông Nakatani nhận định.
Theo Tuổi trẻ