Đại biểu các nước tham dự cuộc họp Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN ngày 12/11/2018, diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh 33. Ảnh: AFP
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN gần đây nhất, Đông Nam Á và phần còn lại của thế giới đã chứng kiến một số diễn biến lớn.
Kêu gọi hợp tác
Một trong những chủ đề lớn rất được kỳ vọng ở thượng đỉnh lần này là hợp tác khu vực về mặt thương mại. Nhiều nhà lãnh đạo lo ngại rằng, tự do thương mại có thể bị đe dọa khi Mỹ - cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, đang có khuynh hướng tăng cường chủ nghĩa bảo hộ trong triển vọng kinh tế của nước này, giữa bối cảnh căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao về Đầu tư và Kinh doanh ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đặt ra những vấn đề cần thảo luận trong tuần này, kêu gọi hợp tác kinh tế và mở cửa thị trường hơn nữa. "Thị trường của chúng ta càng hội nhập và cởi mở hơn, và các quy tắc và môi trường kinh doanh càng thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hơn thì chiếc bánh càng lớn, và các bên càng có nhiều lợi ích", ông nói.
Đến nay, hội nghị đã đạt được những kết quả ý nghĩa, phù hợp với lời kêu gọi hợp tác của Thủ tướng Lý Hiển Long. Hôm qua, cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã đạt được một thỏa thuận về thương mại điện tử, qua đó dự kiến sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á
Phù hợp với mục tiêu thương mại tự do và hợp tác kinh tế này, Singapore dự kiến cũng sẽ đi đầu trong hiệp định Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP bao gồm 16 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Thỏa thuận thương mại này sẽ chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 45% tổng dân số thế giới, 30% thu nhập toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu.
Một điều đáng kỳ vọng nữa là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á diễn ra đồng thời với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, với sự tham dự của tất cả các nước trong RCEP, cùng với Nga và Hoa Kỳ. Với những hội nghị diễn ra song song này, Thượng đỉnh ASEAN năm nay sẽ là một sự kiện nổi bật với những người đứng đầu nhà nước từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Nga dự kiến góp mặt tại hội nghị.
Một số nhà quan sát bất ngờ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân tham dự Thượng đỉnh lần này, thay vì cử Thủ tướng hoặc Bộ trưởng đi như thường lệ. Quyết định này của ông Putin cho thấy tầm quan trọng của vấn đề địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương. Một số nhà phân tích nhận định rằng, việc Tổng thống Putin đến Singapore dự hội nghị lần đầu tiên này được xem như một nỗ lực để tranh thủ thiện ý của khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại vắng mặt, chỉ cử Phó Tổng thống Mike Pence thay thế. Các nhà phê bình cho rằng, quyết định không tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Trump không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét quan điểm của ông về hợp tác kinh tế.
Ngoài ra, tuần này hứa hẹn sẽ là một tuần làm việc bận rộn với nhiều hội nghị chính thức cho các nhà lãnh đạo ASEAN và khách mời của Chủ tịch ASEAN, cũng như các hội nghị liên quan khác với các Bộ trưởng và đại biểu ASEAN. Tại lễ bế mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Singapore sẽ chính thức bàn giao chức Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Tố Quyên (Lược dịch từ The ASEAN Post)