|
Rắn san hô xanh đầu đỏ là sát thủ giết các sát thủ trong môi trường tự nhiên - Ảnh: Tom Charlton |
Đài BBC cho biết loại rắn san hô xanh đầu đỏ dài khoảng 2 mét này nổi tiếng là thường săn những con mồi nguy hiểm như rắn hổ mang chúa. Nọc độc của loài rắn này có hiệu quả ngay lập tức và là nguyên nhân khiến con mồi bị co giật.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Toxin của nhóm gồm các nhà khoa học từ Úc, Mỹ, Trung Quốc và Singapore chỉ ra rằng nọc độc của loài rắn này nhắm đến các thụ quan rất quan trọng trong việc gây đau đớn ở con người và có thể dùng như một phương pháp trị liệu y khoa.
"Hầu hết các loài rắn có nọc độc tác dụng chậm, hoạt động như một loại thuốc an thần mạnh. Bạn sẽ cảm thấy buồn ngủ, chậm chạp trước khi bạn chết. Tuy nhiên nọc độc của con rắn này có tác dụng gần như ngay lập tức bởi vì nó thường săn các động vật nguy hiểm nên cần phải giết con mồi nhanh chóng trước khi bị phản công. Nó là sát thủ của sát thủ" - tiến sĩ Bryan Fry thuộc ĐH Queansland (Úc) giải thích.
Ốc nón và bọ cạp là một trong số ít các động vật không xương sống có nọc độc được nghiên cứu để ứng dụng vào y học. Tiến sĩ Fry cho biết do rắn là một động vật có xương sống, tiến hóa gần hơn với con người nên thuốc giảm đau từ nọc rắn có thể sẽ có hiệu quả hơn.
Tuyến nọc độc của loài rắn san hô xanh này dài bằng 1/4 chiều dài cơ thể của nó và là tuyến nọc độc dài nhất đối với bất kỳ loài nào trên thế giới.
Tuy nhiên loài rắn này đang có nguy cơ bị tuyệt chủng do 80% môi trường sống của nó đang bị con người hủy hoại. Phần lớn môi trường sống của chúng đã trở thành những đồng cọ tại Đông Nam Á.
Nhóm nghiên cứu cũng đang xem xét liệu các bà con gần của loài rắn này có bất kỳ thuộc tính nào khác hay không.
"Một số người cho rằng 'con rắn tốt nhất là con rắn đã chết' nhưng chúng tôi đang cố gắng làm điều ngược lại ở đây" - tiến sĩ Fry hóm hỉnh chia sẻ.
Theo Tuổi trẻ