|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Danh sách nối dài những đối tượng liên quan
Một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu trong “Hồ sơ Panama” là Tổng thống Nga Putin với khối tài sản phỏng đoán khoảng 2 tỷ đôla Mỹ, được cho rằng cất giữ thông qua việc đứng tên của một người bạn thân của ông.
Tiếp đến là Trung Quốc. “Hồ sơ Panama” cho thấy có người thân của ít nhất 8 quan chức đương nhiệm hoặc nghỉ hưu của Trung Quốc.
Tại Pháp, với con số 979 công ty off-shore, ngân hàng SG nằm trong top 5 những ngân hàng trên toàn thế giới bí mật lập ra nhiều công ty hải ngoại nhất cho các khách hàng giàu có của mình, thông qua trung gian của Mossack Fonseca.
Trên chính trường, nhiều dấu hiệu cho thấy có sự dính líu của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia đến "Hồ sơ Panama".
"Hồ sơ Panama" cho thấy, Thủ tướng Ireland Sigmundur Gunnlaugsson và vợ đã mua một công ty ở nước ngoài có tên là Wintris có liên quan đến Mossack Fonseca từ năm 2007. Và trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, Thủ tướng Ireland đã phải từ chức.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, người từng giành được sự ủng hộ của cử tri quốc gia Đông Âu này nhờ những tuyên bố và biện pháp về chống tham nhũng, cũng có tên trong danh sách đen. Theo "Hồ sơ Panama", ông là cổ đông duy nhất tại Prime Asset Partners Ltd, không được nêu trên trong bản kê khai tài sản của ông.
Tại Nam Mỹ, một số nhân vật Guatemala, trong đó có Phó Chủ tịch Đảng VIVA Juan Manuel Diaz-Duran có liên quan đến vụ việc này. Ở Colombia có khoảng 850 người có liên quan đến vụ bê bối. Nhiều doanh nhân, chính trị gia và những nhân vật nổi tiếng ngành giải trí ở Mexico cũng xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”.
Tại Argentina, Tổng thống Mauricio Macri cũng đang đau đầu với những cáo buộc từ “Hồ sơ Panama”, theo đó ông có các hoạt động trốn thuế, rửa tiền từ thời ông là Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Boca Junior cho tới khi được bầu vào Quốc hội (2005-2007) rồi trở thành Thị trưởng Buenos Aires (2007-2015).
Ở Trung Đông, "Hồ sơ Panama" nhắc tới Quốc vương và Bộ trưởng Quốc phòng nước này. Quốc vương Salman bin Abdulaziz đang sử dụng một du thuyền có tên Erga được đăng ký tại quần đảo Virgin. Còn Bộ trưởng Quốc phòng được cho là có “vai trò không xác định” trong một mạng lưới các công ty tại quần đảo Virgin do Mossack Fonseca điều hành. Các công ty này được phát hiện đã mua nhiều căn hộ hạng sang ở thủ đô London của Anh với tổng trị giá lên tới 34 triệu đôla Mỹ.
Tổng thống của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất cũng xuất hiện trong danh sách với phát hiện là sở hữu một số căn nhà ở Anh có tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đôla Mỹ mà không phải đóng thuế nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Mossack Fonseca.
Ở Đông - Nam Á: “Hồ sơ Panama” tiết lộ nhiều nhân vật ở Ấn Độ, Pakistan, Malaysia và cả Campuchia dính líu đến vụ việc. Trong đó phải kể một số thành viên trong gia đình Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, con trai của Thủ tướng Malaysia Najib Razak.
Hệ quả đầu tiên và phản ứng của các nước
Sau những tiết lộ của "Hồ sơ Panama", Thủ tướng Ireland Sigmundur Gunnlaugsson đã buộc phải từ chức ngày 5/4 do áp lực của công chúng. Bộ trưởng Nông nghiệp Sigurdur Ingi Jonhansson dự kiến sẽ được đảng cầm quyền đề cử trở thành tân Thủ tướng.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết sẽ xem xét một cách nghiêm túc mọi cáo buộc trong hồ sơ, tìm kiếm những mối liên hệ giữa các vụ việc này với Mỹ và hệ thống tài chính Mỹ. Nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi về việc không có cá nhân đáng chú ý nào của Mỹ xuất hiện trong “Hồ sơ Panama”.
Các công tố viên Pháp cho biết sẽ tiến hành điều tra ngay các vụ gian lận thuế liên quan tới Mossack Fonseca.
Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho biết, chính phủ nước này dự định ban hành quy định mới đối với các công ty nước ngoài để tăng cường tính minh bạch của họ, trong đó có yêu cầu phải tiết lộ danh tính chủ nhân thật sự.
Ngày 4/4, Thủ tướng Ấn Modi đã trực tiếp cho thành lập nhóm điều tra hỗn hợp đặc biệt nhằm tiến hành làm rõ vụ việc.
Tại Trung Quốc, chỉ có duy nhất tờ Thời báo Hoàn cầu, nhật báo trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề cập vụ việc này trong một xã luận. Tờ báo này lên án một cuộc tấn công của phương Tây nhằm vào các nước đối địch.
Nga coi “Hồ sơ Panama” được dựng lên với dụng ý xấu, nhằm bôi nhọ hình ảnh Tổng thống Putin.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày 5/4 bác bỏ cáo buộc rằng các thành viên gia đình ông có dính líu đến “Hồ sơ Panama”....
Những tranh cãi về “Hồ sơ Panama” sẽ còn nhiều trong thời gian tới. Trong khi phía báo chí khẳng định mới chỉ khai thác được 8 phần trăm trong nguồn dữ liệu tiếp cận được của tập đoàn Mossack Fonseca; thì sự phản bác dữ dội của nhiều đối tượng bị cáo buộc cũng như của chính tập đoàn này khiến sự việc sẽ ngày càng căng thẳng hơn./.
Theo VOV