ClockThứ Tư, 26/12/2018 09:42

“Nước Mỹ trên hết” là điểm nhấn của chính quyền Tổng thống Trump 2018

Năm 2018, năm thứ hai trong nhiệm kỳ cầm quyền 4 năm của Tổng thống Donald Trump, đã chứng kiến một nước Mỹ đầy xáo trộn, bất ổn và khó lường.

Tổng thống Donald Trump chỉ đạo thành lập Bộ Chỉ huy Không gian MỹTổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm quyền Chánh Văn phòng Nhà TrắngMỹ treo cờ rủ 30 ngày tưởng nhớ cố Tổng thống Bush "cha"Argentina triển khai 22.000 binh sỹ bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh G20

 Tuy nhiên, hầu hết các thay đổi của nước Mỹ dường như lại rất phù hợp với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” mà ông Trump theo đuổi ngay từ khi bắt đầu tranh cử.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: National Interest.
Kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong đối nội

Về tình hình trong nước, có thể thấy điểm sáng nhất trong bức tranh của nước Mỹ là kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, thị trường chứng khoán tăng điểm, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản 4 lần trong năm 2018, thể hiện sự đánh giá tích cực về sức khỏe của kinh tế nước này. Tuy nhiên, mâu thuẫn, thậm chí là bế tắc trong các vấn đề quan trọng khác như chính sách nhập cư cứng rắn, kiếm soát súng đạn xung đột sắc tộc, tôn giáo không có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí còn căng thẳng hơn trước.

Không mấy thành công về đối nội, cộng thêm tác động tiêu cực từ các kết quả điều tra về sự liên quan của một số cộng sự với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, đảng Cộng hòa đã mất đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua bất chấp sự vận động tích cực của Tổng thống Trump. Không chỉ vậy, một loạt các quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục từ chức trong năm 2018 khiến chỉ trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump đã có tới 60% trợ lý và cố vấn cấp cao, hơn 10 bộ trưởng bị thay thế hoặc xin từ chức, tỷ lệ cao nhất trong nhiều nhiệm kỳ Tổng thống trước đây. Xáo trộn về nhân sự cấp cao cũng phần nào ảnh hưởng đến các chính sách cả đối nội và đối ngoại của ông chủ Nhà Trắng.

Thành công trong chính sách đối ngoại

Ngược lại với các vấn đề trong nước, chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump - một tổng thống được xem là không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại, lại gặt hái được nhiều thành công hơn. Phát động cuộc chiến thương mại với tất cả đối tác, bất kể đó là đồng minh thân cận hay đối thủ chiến lược, Tổng thống Trump đang từng bước giành ưu thế, mặc dù chưa rõ các chính sách này sẽ tác động ngược lại kinh tế Mỹ thế nào trong dài hạn. Ký thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada thay thế NAFTA, sửa đổi, thúc đẩy một số hiệp định tự do thương mại FTA với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản... đang đem lại các lợi thế nhất định cho Mỹ.

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, phía Bắc Kinh đang tỏ thái độ nhượng bộ và có nhiều điều chỉnh chính sách nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trước hạn chót tháng 3/2019 được cả hai bên chấp nhận.

Với chủ trương đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, trong năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục rút khỏi một số thể chế đa phương, song phương như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga. Mỹ cũng giảm bớt can thiệp trực tiếp vào một số điểm nóng như rút quân khỏi Syria, thay đổi chính sách đối với cuộc xung đột Israel-Palestine.

Các động thái này của Mỹ cho thấy chính quyền Tổng thống Trump có xu hướng giảm bớt vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình, tạo ra thách thức cho trật tự thế giới được định hình từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay. Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ là cái bắt tay giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng 6/2018 tại Singapore. Trong khi các nỗ lực hòa giải trên bán đảo Triều Tiên có nhiều kết quả tích cực còn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn đang giậm chân tại chỗ thì cái bắt tay lần đầu tiên mang tính lịch sử giữa lãnh đạo hai nước chắc chắn đã mở ra một chương mới, một giai đoạn mới tích cực hơn, không chỉ đối với quan hệ Mỹ-Triều mà còn đối với cả khu vực.

Ông Trump đi con đường riêng trong thực hiện cam kết tranh cử

Mâu thuẫn, bất ổn, xáo trộn, khó lường là những đặc điểm của nước Mỹ, của chính quyền Tổng thống Trump trong năm cầm quyền thứ hai. Tuy nhiên, khởi đầu bằng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, tiếp theo đó là Chiến lược an ninh quốc gia tháng 12/2017, Chiến lược quốc phòng tháng 1/2018, mở ra giải pháp ngoại giao cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, phát động chiến tranh thương mại, giảm bớt vai trò toàn cầu của Mỹ và các động thái này cho thấy dường như Tổng thống Trump đang đi trên con đường riêng của mình, nỗ lực thực hiện các cam kết trong chiến dịch tranh cử, mặc dù chưa rõ các các cam kết này sẽ mang lại lợi ích đến đâu cho nước Mỹ.

Nhưng dù thế nào, với việc mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Dân chủ, năm 2019 được dự báo sẽ là 1 năm khó khăn không chỉ đối với đảng Cộng hòa mà cả cá nhân Tổng thống Trump trong chương trình làm luật và đưa ra các quyết sách của mình. Không những vậy, các khó khăn này cũng sẽ gây cản trở không nhỏ tới các nỗ lực vận động tái cử của ông Trump cho năm 2020.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tàng Vatican ra mắt kiệt tác vừa được phục chế thành công

Bảo tàng Vatican mới đây công bố vừa phục chế thành công một trong những “viên ngọc quý” trong bộ sưu tập của Bảo tàng là “Apollo Belvedere” - một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch từ thế kỷ thứ 2 về vị thần Apollo của Hy Lạp. Đây được xem là một kiệt tác đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ và nhà thơ.

Bảo tàng Vatican ra mắt kiệt tác vừa được phục chế thành công
Return to top