Ô nhiễm không khí khiến bệnh nhân ung thư gan có nguy cơ tử vong cao hơn. Ảnh: Wikimedia
Trong tạp chí quốc tế về ung thư, các nhà nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa mức độ của các hạt nhỏ được gọi là PM 25 trong không khí và tỷ lệ tử vong do ung thư gan. Theo đồng tác giả Sandrah Eckel thuộc Đại học Nam California ở Los Angeles, nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân ung thư gan có thể là nhóm dễ bị tổn thương và sẽ được hưởng lại từ việc giảm ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm PM 2,5 được tạo thành từ các hạt nhỏ và giọt nhỏ hơn 2,5 micron. Các hạt này, đủ nhỏ để xâm nhập vào mạch máu thông qua phổi, thường là sản phẩm của quá trình đốt - bao gồm khói và hơi khói từ các nguồn công nghiệp và các nhà máy điện, động cơ xe, cháy rừng hoặc đốt lửa trong nhà.
Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định rằng, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ ung thư phổi, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến các loại ung thư khác.
Mỹ có các tiêu chuẩn để kiểm soát ô nhiễm không khí, nhưng một số khu vực như Los Angeles vẫn vượt quá mức cho phép, bà Eckel lưu ý. Trên toàn cầu, ô nhiễm không khí có thể cao gấp 10 lần tiêu chuẩn của Mỹ.
Để biết liệu có mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sự sống còn của ung thư gan, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu trên hơn 20.000 bệnh nhân mắc ung thư gan, được chẩn đoán từ năm 2000 đến năm 2009 và được liệt kê trong Cơ quan Đăng kiểm Ung thư Tiểu bang California.
Họ phát hiện ra rằng những người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm PM 2.5 có nguy cơ tử vong cao hơn sau khi được chẩn đoán ung thư gan hoặc bất cứ nguyên nhân nào.
Đối với những người bị ung thư gan cục bộ, mức độ phơi nhiễm ô nhiễm cao hơn có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn 31% so với những người có cùng giai đoạn ung thư phơi nhiễm với ô nhiễm ít nhất.
"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các chất ô nhiễm không khí có thể dẫn đến tử vong sớm do bệnh tim mạch và ung thư gan", nhà nghiên cứu Neil Thomas của Đại học Birmingham, Anh khẳng định.
Theo ông Thomas, mọi người có thể cố gắng làm giảm phơi nhiễm bằng cách sử dụng các bộ lọc không khí, đeo mặt nạ và tránh ô nhiễm trong nhà như đốt nến, nhưng bước quan trọng nhất là gây áp lực lên các nhà lập pháp để nâng cao chất lượng không khí.
"Giảm ô nhiễm không khí là mục đích của mọi người vì sức khoẻ của bản thân và của các thế hệ tương lai", ông Thomas nói.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & CNA)