Pháp chi tiêu cho y tế, lương hưu và các dịch vụ xã hội khác ở mức 32% GDP trong năm 2018. Ảnh: Rac
Theo OECD, một tổ chức nghiên cứu liên Chính phủ có trụ sở tại thủ đô Paris (Pháp), chi tiêu cho y tế, lương hưu và các dịch vụ xã hội khác của Pháp đứng ở mức 32% GDP hồi năm ngoái.
Đáng chú ý, số tiền chi tiêu tăng mạnh kể từ năm 1990, khi con số này chỉ chiếm dưới 25% GDP; và gần gấp 3 lần mức chi tiêu ở khoảng 12% GDP trong năm 1960.
Xu hướng này phù hợp với các quốc gia phát triển khác, phản ánh sự phát triển của các nhà nước phúc lợi toàn diện hơn và chi tiêu lương hưu cao hơn khi nhiều người sống lâu hơn.
Tuy nhiên, số tiền chi tiêu của Pháp cao hơn mức trung bình hiện tại là 20,5% GDP được ghi nhận ở 36 quốc gia thành viên OECD, khi lương hưu chiếm một phần lớn trong số các khoản trợ cấp tiền mặt được chi trả mỗi tháng.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng là Đức, chi tiêu xã hội chỉ đứng ở mức 25% GDP; và ở Mỹ, con số này chỉ chiếm 19%.
Ngoài ra, khi tính đến tất cả các chi tiêu công, chẳng hạn như cảnh sát và quốc phòng, Pháp dẫn đầu khu vực châu Âu với số tiền chi tiêu Chính phủ tương đương 56,5% GDP trong năm 2017, theo dữ liệu mới nhất hiện có.
Chính phủ Pháp đang đặt mục tiêu cắt giảm 3 điểm phần trăm đối với con số này đến cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào năm 2022; điều này có nghĩa là, Paris sẽ tiết kiệm được 65-70 tỷ euro.
Cũng theo nghiên cứu của OECD, xếp ngay sau Pháp là Bỉ và Phần Lan trong số những quốc gia có chi tiêu xã hội lớn nhất, với khoảng 30% GDP ở mỗi quốc gia.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)