Người nghèo cư ngụ dưới gầm cầu ở Manila, Philippines. Ảnh: ASB
Với báo cáo đánh giá tài sản hàng năm được phát hành trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Oxfam cho rằng năm 2018 là một năm mà người giàu càng trở nên giàu hơn và người nghèo lại nghèo hơn. Theo Oxfam, khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo đang phá hoại cuộc chiến chống đói nghèo, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Cụ thể, tài sản của hơn 2.200 tỷ phú trên toàn cầu đã tăng thêm 900 tỷ USD trong năm 2018 - tương đương 2,5 tỷ USD mỗi ngày. Sự gia tăng 12% trong tài sản của những người giàu nhất tương phản với sự sụt giảm 11% tổng tài sản của một nửa dân số nghèo nhất thế giới.
Báo cáo của Oxfam cũng đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý khác như trong vòng 10 năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, số lượng tỷ phú trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi; từ năm 2017-2018, cứ 2 ngày lại có thêm một tỷ phú mới; hay tài sản của người đàn ông giàu nhất thế giới Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Amazon, đã tăng lên 112 tỷ USD. Chỉ 1% tài sản của ông đã tương đương với toàn bộ ngân sách y tế cho Ethiopia, đất nước của 105 triệu dân.
Kêu gọi tăng thuế đối với người giàu
Oxfam cảnh báo rằng, chính phủ các nước đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng khi các dịch vụ công cộng như chăm sóc sức khỏe và giáo dục không được đầu tư tương xứng, trong khi giới nhà giàu và các tập đoàn lớn lại không bị đánh thuế đúng mức. Theo Oxfam, có khoảng 10.000 người chết vì không được chăm sóc sức khỏe và 262 triệu trẻ em không được đến trường, chủ yếu vì cha mẹ chúng không đủ khả năng để chi trả các khoản phí, đồng phục hoặc sách giáo khoa. Thế nhưng, "những người siêu giàu và các tập đoàn đang trả mức thuế thấp hơn so với mức mà lẽ ra họ phải trả trong nhiều thập kỷ qua", báo cáo của Oxfam nhận định.
Do đó, tổ chức từ thiện này kêu gọi các chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để tài trợ cho các dịch vụ công cộng phổ biến, có chất lượng cao thông qua việc giải quyết tình trạng trốn thuế và đảm bảo việc đánh thuế công bằng hơn.
Hồi đầu tháng này, nữ nghị sĩ mới Alexandria Ocasio-Cortez ở Mỹ đã gây chú ý khi đề xuất đánh thuế những người siêu giàu lên tới 70%. Và tại châu Âu, phong trào "Áo vàng" đã làm rung chuyển nước Pháp với các cuộc biểu tình chống chính phủ từ tháng 11 năm ngoái với yêu cầu Tổng thống Emmanuel Macron bãi bỏ các chính sách cắt giảm thuế tài sản gây tranh cãi đối với những người có thu nhập cao.
Theo ước tính của Oxfam, chỉ cần những người giàu nhất chi thêm 0,5% thuế trên tổng tài sản của họ là "đủ chi phí để 262 triệu trẻ em thất học có thể đến trường và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để giúp cứu sống 3,3 triệu người".
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ The Guardian & Straits Times)