Thứ Bảy, 18/06/2016 14:47
(GMT+7)
Pháp đối mặt đợt biểu tình mới do bất đồng nghiệp đoàn và chính phủ
Ngày 17/6, Bộ trưởng Lao động Pháp Myriam El Khomri cho biết cuộc đàm phán giữa Bộ Lao động và người đứng đầu một trong những nghiệp đoàn lớn nhất nước này đã kết thúc mà không đạt được đột phá nào giúp phá vỡ bế tắc liên quan đến những cải cách lao động - vốn gây ra hoạt động biểu tình chống chính phủ kéo dài trong nhiều tháng qua.
Quang cảnh một cuộc biểu tình tại thủ đô Paris, Pháp. Nguồn: AFP
Phát biểu sau cuộc đàm phán kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ với Tổng Thư ký Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) Philippe Martinez, Bộ trưởng Khomri cho biết cả 2 bên đều "không tìm thấy sự đồng thuận."
Về phía CGT, người đứng đầu nghiệp đoàn quyền lực CGT, ông Martinez cho rằng CGT và chính phủ bất đồng ở những vấn đề cơ bản. Ông kiên quyết tái khẳng định rằng một số điều khoản then chốt trong dự luật cải cách lao động mà Chính phủ Pháp đang xem xét thông qua cần phải bị hủy bỏ hoặc sửa đổi.
Sau khi không đạt được tiếng nói chung với Chính phủ Pháp, các nghiệp đoàn lao động nước này tuyên bố đã kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình mới dự kiến vào ngày 23 và 28/6 tới đây.
Đây là cuộc đàm phán đầu tiên trong vòng 3 tháng qua giữa Chính phủ Pháp và một nghiệp đoàn đã khởi xướng đợt biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lao động của chính phủ. Căng thẳng giữa Chính phủ và CGT, một trong hai nghiệp đoàn lớn nhất Pháp, đã tăng mạnh sau khi các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực trong tuần này tại Paris.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls chỉ trích CGT "nhắm mắt làm ngơ" những hành động bạo lực của người biểu tình. Trong khi đó, Tổng thống Francois Hollande cảnh báo có thể cấm biểu tình nhằm đảm bảo an ninh cho quốc gia trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp vẫn được áp đặt kể từ khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến 130 người thiệt mạng hồi tháng 11 năm ngoái, và đặc biệt trong bối cảnh tại Pháp đang diễn ra EURO 2016.
Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng 3 vừa qua nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà các nghiệp đoàn cho là tạo điều kiện cho giới chủ trong khi làm tổn hại các quyền cơ bản của người lao động.
Các cuộc biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế./.
Theo Vietnam+