Nước Pháp tổ chức nhiều chương trình và lễ hội nhân dịp Quốc khánh 14/7. Ảnh: AFP
Ngày 14/7, nước Pháp tổ chức kỷ niệm 230 năm Ngày Quốc khánh (14/7/1789 – 14/7/2019). Dịp này, nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và các quan chức cấp cao khác đã đến thủ đô Paris chứng kiến cuộc diễu binh hàng năm trên Đại lộ Champs-Élysées, kỷ niệm sự kiện chiếm ngục Bastille diễn ra ngày 14/7/1789 trong thời kỳ Cách mạng Pháp.
Trên khắp nước Pháp, nhiều cuộc diễu hành, lễ hội và bắn pháo hoa được tổ chức trong sự hân hoan của người dân. Một chương trình hòa nhạc miễn phí khổng lồ cũng diễn ra tại Champs de Mars dưới chân tháp Eiffel ở thủ đô nước này.
Đáng chú ý, sự kiện này còn mang ý nghĩa chính trị to lớn. Theo các nhà phân tích, hợp tác quốc phòng châu Âu chặt chẽ hơn là một trong những mục tiêu trong chính sách đối ngoại quan trọng của Tổng thống Macron và tổng thống cho thấy không có dấu hiệu dao động, bất chấp tình trạng hỗn loạn chính trị gia tăng ở Đức và những bất ổn quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
“Châu Âu chưa bao giờ quan trọng đến vậy”
Tổng thống Macron, người đã thúc đẩy ý tưởng Sáng kiến can thiệp châu Âu (E2I) nhằm thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài các cấu trúc hiện có như NATO, khẳng định rằng hợp tác quốc phòng châu Âu là vấn đề rất quan trọng.
“Chưa bao giờ, kể từ khi kết thúc Thế chiến II, Châu Âu lại quan trọng đến thế”, Tổng thống Macron nhấn mạnh trong một tuyên bố nhân ngày 14/7. “Việc xây dựng một hệ thống quốc phòng châu Âu, có quan hệ với Liên minh Đại Tây Dương, là ưu tiên hàng đầu của Pháp”, hãng thông tấn AFP dẫn lời Tổng thống Macron cho biết thêm.
Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh rằng mục đích của E2I là “cùng nhau hành động và cùng nhau củng cố năng lực hành động… vì an ninh và quốc phòng của chúng tôi đều thông qua châu Âu”.
Được biết, các lực lượng từ tất cả 9 quốc gia tham dự cùng Pháp trong E2I, bao gồm cả Anh và Đức, đều có đại diện tham dự cuộc diễu binh trên Đại lộ Champs-Élysées năm nay.
Theo The Local, một máy bay vận tải A400M của Đức và một chiếc C130 của Tây Ban Nha đã tham gia bay lượn trong cuộc diễu binh, cùng với 2 máy bay trực thăng Chinook của Anh. Chinooks được coi là một biểu tượng chính của hợp tác quốc phòng Anh-Pháp ngay cả khi kế hoạch Brexit được tiến hành, với việc Anh triển khai 3 máy bay với gần 100 nhân viên phục vụ cho hoạt động của Pháp ở khu vực Sahel châu Phi.
Bên cạnh đó, cuộc diễu binh năm nay còn có sự góp mặt của các thành viên trong Lữ đoàn Pháp-Đức (BFA), được thành lập năm 1989 như một biểu tượng của sự thống nhất sau chiến tranh giữa Pháp và Đức. BFA sẽ kỷ niệm 30 năm trong năm nay. Ngoài ra, khoảng 4.300 thành viên của lực lượng vũ trang, 196 phương tiện, 237 ngựa, 69 máy bay và 39 máy bay trực thăng của Pháp đã được huy động cho cuộc diễu binh ở trung tâm thủ đô.
Đáng chú ý, trong một dấu hiệu nhấn mạnh tầm quan trọng về những cam kết liên tục của Pháp đối với NATO, Tổng thư ký liên minh NATO Jens Stoltenberg cũng tham dự sự kiện.
Trước đó, với tham vọng đưa nước Pháp trở thành một cường quốc quân sự hiện đại hàng đầu, Tổng thống Marcon ngày 13/7 đã tuyên bố thành lập một lực lượng không gian quốc gia, một bộ phận của không quân nước này.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ AFP & The Local)