Nhiều quan chức và người dân đứng mặc niệm trước cửa toà soạn báo Charlie Hebdo. Ảnh: MICHEL EULER
Trong một ngày lạnh lẽo ở Paris, các Bộ trưởng và thị trưởng của thành phố, cùng nhiều cảnh sát mặc sắc phục, đứng im lặng bên ngoài văn phòng cũ của tạp chí Charlie Hebdo và một số nơi khác, với các vòng hoa gắn ruy băng xanh-trắng-đỏ, tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân.
Vụ thảm sát gây sốc trên toàn thế giới và dự báo thêm nhiều cuộc tấn công nữa đã làm giảm tỷ lệ uy tín của Tổng thống Francois Hollande và đào sâu hơn những căng thẳng giữa nhà nước thế tục của Pháp và cộng đồng người Hồi giáo ở nước này.
Trong tháng 11/2015, nhiều tay súng thánh chiến và đánh bom tự sát đã tấn công các địa điểm giải trí trên khắp Paris, làm 130 người thiệt mạng. Năm ngoái, một người Tunisia cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện vụ đâm xe tải nặng vào một đám đông ở thành phố Nice, giết chết 86 người. Một số vụ tấn công khủng bố nhỏ lẻ khác sau đó cũng được ghi nhận.
Vòng hoa gắn ruy băng xanh-trắng-đỏ để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng. Ảnh: MICHEL EULER
Lễ tưởng niệm hôm qua bắt đầu tại cơ sở cũ của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo, nơi sau đó đã bị bỏ hoang để chuyển đến một địa điểm bí mật. Hai anh em trang bị súng trường tấn công đã bắn chết 11 người vào ngày 7/1/2015, trong đó hầu hết là các hoạ sĩ và nhà báo của tạp chí này. Hai tay súng - là Said và Cherif Kouachi, đã bị bắn hạ trong một cuộc tấn công của cảnh sát 2 ngày sau đó tại một nhà in phía bắc Paris.
Một ngày sau vụ tấn công Charlie Hebdo, Amedy Coulibaly - kẻ tuyên bố trung thành với IS, đã bắn chết một nữ cảnh sát, làm trọng thương một nhân viên vệ sinh đường phố ở Montrouge, bắt cóc nhiều con tin và giết chết 4 người tại một cửa hàng tạp hóa ở rìa đông Paris, trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Làn sóng các vụ tấn công khủng bố khiến an ninh trở thành một chủ đề quan trọng trong các chương trình vận động trước cuộc bầu cử tổng thống vào mùa xuân này tại Pháp, quốc gia với 66 triệu dân chủ yếu có nguồn gốc Kitô giáo, nhưng cũng bao gồm cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo lớn nhất châu Âu.
Tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ sau các cuộc tấn công hồi tháng 11/2015 đến nay vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS - với căn cứ ở Iraq và Syria đang bị Pháp và các lực lượng quân sự nước khác ném bom, cũng kêu gọi thực hiện thêm nhiều vụ tấn công khác.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters)