ClockThứ Năm, 20/04/2017 10:16

Quốc hội Anh thông qua đề xuất bầu cử sớm

Với tỷ lệ áp đảo 522 phiếu thuận, 13 phiếu chống, Quốc hội Anh đã thông qua với sự nhất trí cao đề xuất do Thủ tướng Anh đưa ra về bầu cử sớm.

Thủ tướng Anh kêu gọi bầu cử trước thời hạn

Với kết quả trên, chính thức, nước Anh sẽ bước vào bầu cử trong 7 tuần nữa, ngày 8/6.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra với cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ. Trước khi diễn ra, các nhà phân tích đã dự đoán khả năng chắc chắn Quốc hội Anh sẽ thông qua đề xuất này của Thủ tướng Anh Theresa May.

Phát biểu sau khi có kết quả lớn với khoảng cách đến 509 phiếu giữa ủng hộ và phản đối, nữ Thủ tướng Anh nhấn mạnh việc tổ chức bầu cử sớm sẽ vì lợi ích quốc gia.

Theo bà May, cử tri Anh sẽ có hai sự lựa chọn tại cuộc bầu cử sắp tới: hoặc là bầu cho một ban lãnh đạo mạnh và ổn định khi bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của bà; hoặc bầu cho ban lãnh đạo yếu và bất ổn với người đứng đầu Công Đảng Jeremy Corbyn – người sẽ thành lập một liên minh cầm quyền “hỗn loạn”.

Tính toán chiến lược

Chính trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua tại Quốc hội Anh, thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn đã chỉ trích bà May “không chân thật” khi trước đó nhiều lần gạt bỏ khả năng tổ chức bầu cử sớm.

Đề xuất tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng nước này Theresa May được Hạ viện Anh thông qua (Ảnh: Reuters)
Lý giải việc bất ngờ đưa ra đề xuất này, các nhà phân tích cho rằng bà May đang muốn tranh thủ những ủng hộ mạnh mẽ cho đảng của bà để tăng đa số tại Quốc hội, để có thể tự do và thoải mái đàm phán về Brexit mà không chịu sức ép từ những thành phần thân châu Âu, ngay trong chính đảng của bà.

Theo các cuộc thăm dò dư luận mới, đảng Bảo thủ của bà May đạt được sự ủng hộ mạnh mẽ, và rõ ràng nữ Thủ tướng Anh muốn tranh thủ vị thế đang mạnh đó để đặt nền móng cho những bước đi tiếp theo sau này.

Báo chí Pháp nhận định bà May đã khéo léo khi chọn thời điểm ngày 8/6, để cuộc bầu cử diễn ra trước khi bắt đầu các cuộc thương lượng mang tính quyết định với EU. Tranh thủ một khoảng trống hẹp là khôn ngoan, do nữ Thủ tướng Anh biết chắc việc tiến hành thương lượng với EU sẽ kéo dài, thậm chí có thể vượt qua thời gian hai năm trước khi đạt được một cuộc “ly hôn” hoàn toàn với EU. Vì thế, tốt nhất là nên tiến hành bầu cử sớm để củng cố chính phủ. Trong trường hợp chắc chắn xảy ra là sẽ phải có những nhượng bộ không được lòng dân, đảng của bà sẽ gặp bất lợi nếu một cuộc bầu cử diễn ra trong khoảng năm 2019-2020. Và do nhiệm kỳ của các nghị sỹ tại Anh là 5 năm, thì với việc đẩy lùi cuộc bầu cử từ năm 2020 đến 2022, bà May đã lợi thêm được hai năm.

Dư luận Anh hoàn toàn bất ngờ

Có thể nói cử tri Anh hoàn toàn bất ngờ, do đã có tới 5 lần trước đó, nữ Thủ tướng Anh bác bỏ giả thuyết tiến hành bầu cử trước thời hạn, với lý do vẫn là muốn giữ ổn định cho đất nước.

Hiện chưa có điều tra chính thức nào về dư luận Anh, nhưng một số người trả lời phỏng vấn trên báo chí thì bày tỏ sự mệt mỏi khi sắp đối mặt với một cuộc bầu cử mới lần thứ ba trong 3 năm: bầu cử lập pháp năm 2015 ; trưng cầu ý dân năm 2016 và sắp tới lại là bầu cử lập pháp 8/6/2017.

Đàm phán Brexit chỉ thực sự diễn ra sau bầu cử tại Anh

Nếu xét trên thế mạnh hiện nay, thì khả năng giành thắng lợi của Đảng Bảo Thủ của nữ Thủ tướng May là rất lớn. Khi đó, chắc chắn vị thế của bà May để quyết tâm có một “Brexit cứng” với EU sẽ được củng cố.

Phản ứng trước việc Anh quyết định tiến hành bỏ phiếu sớm, châu Âu tuyên bố các cuộc đàm phán thực sự sẽ chỉ diễn ra sau khi nước Anh bầu cử xong. Về nguyên tắc thì tiến trình đàm phán nhiều khả năng không có thay đổi, thời hạn hai năm là quy định trong điều 50 Hiệp ước Lisbon và khi các bên nhất trí thì sẽ có thể kéo dài. Khó khăn nhất dự kiến vẫn là các cuộc thương lượng về tương lai quan hệ thương mại giữa Anh và EU; thậm chí có thể kéo dài đến 5 năm hoặc hơn, nếu hai bên không đạt được sự nhất trí./.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025

Ngày 4/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia...

Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top