Nhiều lực lượng được huy động trong vụ tấn công trong vụ khủng bố ở Dhaka. Ảnh: AP
Lĩnh vực dịch vụ cũng đối mặt với việc hủy đơn hàng và các Đại sứ quán nước ngoài cũng đang tìm cách hạn chế nhân viên làm việc tại quốc gia Nam Á này, sau vụ tấn công tối 1/7 cướp đi mạng sống của 9 người Italy, 7 người Nhật, 1 người Mỹ, 1 người Ấn Độ và một số người Bangladesh.
Ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh đang bị ảnh hưởng nặng nề sau vụ tấn công, làm dấy lên lo ngại rằng các nhà bán lẻ lớn sẽ xem xét lại kế hoạch nguồn nhân lực của mình.
Bangladesh, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thu nhập chủ yếu dựa vào ngành may mặc - chiếm khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 4 triệu người. Bangladesh chỉ đứng sau Trung Quốc trong vai trò là nhà cung cấp quần áo cho các thị trường phát triển, chẳng hạn như châu Âu và Mỹ.
Kể từ sau vụ tấn công, một số công ty nước ngoài đã hạn chế đi lại tới Bangladesh và yêu cầu tổ chức các cuộc họp tại Bangkok, New Delhi hoặc Hong Kong, thay cho Dhaka.
Giới phân tích nhận định, các nhãn hiệu quần áo có tên tuổi đang cân nhắc chuyển hoạt động ra khỏi Bangladesh để chuyển tới những quốc gia tương đối an toàn hơn ở châu Á, chẳng hạn như Campuchia và Sri Lanka.
Trong khi đó, các đại sứ quán Mỹ và Anh ở Bangladesh đang hạn chế số lượng nhân viên ngoại giao và chỉ để lại những nhân viên thực sự cần thiết.
Hai công ty xây dựng Obayashi và Shimizu của Nhật Bản - có hàng chục lao động đang xây dựng các dự án cầu đường ở Bangladesh - cho biết, họ đã khuyến cáo nhân viên của mình nên ở trong nhà.
Ít nhất 2 khách sạn 5 sao ở Dhaka cho biết, họ đã nhận được nhiều thông báo hủy hợp đồng từ các khách hàng sau vụ tấn công, trong khi không có bất kì đơn hàng đặt phòng nào trong vòng những ngày qua.
Bảo Nghi (Lược lịch từ BBC & The Guardian)