Phụ nữ Saudi Arabia sẽ được phép lái xe từ 6/2018. Ảnh: AFP
Lệnh cấm lái xe kéo dài vốn từ lâu đã bị xem như một biểu tượng của tình trạng đàn áp phụ nữ trong vương quốc cực kỳ bảo thủ Saudi Arabia. Theo AFP, quyết định trên được đưa ra sau cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm của các nhà hoạt động nữ quyền và là một phần trong kế hoạch cải cách của Hoàng tử Mohammed bin Salman, nhằm mục đích thích ứng với kỷ nguyên hậu dầu mỏ và cải thiện danh tiếng vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các điều luật nhân quyền nghiêm ngặt của nước này trên trường thế giới.
"Sắc lệnh của hoàng gia sẽ thực hiện các quy định về giao thông, bao gồm cả việc ban hành giấy phép lái xe cho nam giới và phụ nữ", Cơ quan Báo chí Saudi cho biết, nêu rõ sắc lệnh sẽ được thực hiện từ tháng 6 sang năm.
Đã có rất nhiều các nhà hoạt động bảo thủ tại Saudi Arabia - với chế độ quân chủ tuyệt đối được cai quản theo luật Sharja, biện minh cho lệnh cấm trong những năm qua, bao gồm cả những người cho rằng việc lái xe sẽ ảnh hướng xấu đến buồng trứng của phụ nữ. Nhiều nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ đã bị bỏ tù trong những năm qua vì phản đối lệnh cấm này.
Phấn chấn và hoài nghi
Thông báo gây sốc trên được đưa ra khiến người dân ở Riyadh vừa phấn khích xen lẫn hoài nghi. Cô Haya al-Rikayan, một nhân viên ngân hàng 30 tuổi ở Riyadh, nói với AFP: "Tôi rất phấn khích và cùng lúc cảm thấy bị sốc... Tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra phải trong vòng 10 hoặc 20 năm nữa".
Theo các nhà phân tích, tuyên bố này được đưa ra sau lễ kỷ niệm ngày quốc khánh Saudi vừa kết thúc hồi cuối tuần trước, nhằm nhấn mạnh nỗ lực cải tổ của đất nuóc, bất chấp sự phản ứng dữ dội của các nhà bảo thủ tôn giáo.
Nhiều nam giới và phụ nữ đã nhảy múa trên các đường phố trong tiếng trống và các bản nhạc điện tử, là cảnh tượng tuyệt đẹp nhưng rất khác thường ở một đất nước nổi tiếng với sự phân biệt giới tính nghiêm ngặt và có cái nhìn nghiêm khắc của đạo Hồi.
Phụ nữ cũng được phép vào sân vận động - nơi trước đây chỉ dành riêng cho nam giới - để xem hòa nhạc, một động thái để kêu gọi cho kế hoạch "Tầm nhìn năm 2030" của chính phủ trong việc cải cách xã hội và kinh tế khi nước này chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu lửa.
Với hơn một nửa dân số dưới 25 tuổi, Thái tử Mohammed - "kiến trúc sư" của kế hoạch "Tầm nhìn năm 2030", được kỳ vòng sẽ đáp ứng được những khát vọng của giới trẻ với hàng loạt các lựa chọn giải trí và thúc đẩy việc đưa nhiều thêm phụ nữ vào lực lượng lao động hơn nữa.
Những giới hạn nghiêm ngặt
Saudi Arabia áp dụng một số giới hạn nghiêm ngặt nhất thế giới đối với phụ nữ, mặc dù đã có những cải cách đầy tham vọng của chính phủ nhằm đẩy mạnh số việc làm cho phụ nữ.
Theo hệ thống giám hộ của quốc gia, phụ nữ phải được một thành viên trong gia đình là nam giới - thường là cha, chồng hoặc anh em trai - cho phép mới được đi học, du lịch và các hoạt động khác.
Tuy nhiên, vương quốc này dường như đang nới lỏng một số quy định như một phần của kế hoạch "Tầm nhìn năm 2030".
Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định trên được đưa ra trong một thời điểm rất quan trọng đối với Saudi Arabia. Thành viên nòng cốt của OPEC đang trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng khu vực với đối thủ Iran, và đang bị sa lầy trong một cuộc can thiệp quân sự gây tranh cãi ở Yemen và nước láng giềng đồng minh của Hoa Kỳ là Qatar.
Thái tử Mohammed, 32 tuổi, sẽ lãnh đạp quốc gia có một nửa dân số dưới 25 tuổi, mặc dù thời gian nhậm chức vẫn chưa được thông báo.
Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & CNA)