Các công nhân nhà máy TTK Logistics Thái Lan thực hành sơ đồ 3R để lưu chuyển và quản lý bình điện hybrid. Ảnh: The Bangkok Post.
Nhà máy mới hình thành dựa trên sự hợp tác của các công ty con và chi nhánh của Toyota, bao gồm Toyota Daihatsu Engineering & Manufacturing (TDEM), Toyota Motor Asia-Pacific, Toyota Tsusho Thái Lan, Denso Thái Lan và Công ty quản lý rác thải Siam.
Cơ sở này được điều hành bởi công ty TTK Logistics Thái Lan, một công ty con của Toyota Tsusho, và nằm liền kề với nhà máy lắp ráp xe và bình điện của Toyota tại Chachoengsao.
Ông Ninnart Chaithirapinyo, Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan, cho biết cơ sở này sẽ hỗ trợ địa phương phát triển doanh số bán xe hybrid.
Ô tô hybrid là loại xe có công nghệ thấp nhất của dòng xe điện, trong đó bình điện cần được lưu chuyển và quản lý theo sơ đồ 3R (tân trang, tái sử dụng và tái chế).
Ông Ninnart cho biết nhà máy sẽ có khả năng kiểm tra chẩn đoán nhanh chóng 10.000 bình điện mỗi năm và tái chế 20.000 bình điện mỗi năm.
“Cơ sở này sẽ phục vụ không chỉ những chiếc xe hybrid của Toyota, mà cả bình điện từ các thương hiệu và thiết bị điện khác”, ông Ninnart nói. “Chúng tôi đang đàm phán với các công ty liên quan để cung cấp dịch vụ của chúng tôi”.
Sau quá trình chẩn đoán nhanh, các mô-đun hiệu suất cao sẽ được lắp ráp lại và được bán dưới dạng bình điện được tân trang để thay thế với giá chỉ bằng một phần ba bình mới.
Các mô-đun có hiệu suất vừa phải vẫn còn khả năng tích điện sẽ được tái sử dụng để lưu trữ năng lượng dự trữ và cung cấp năng lượng cho các tòa nhà, nhà máy và trạm sạc điện.
Các mô-đun hiệu suất thấp, kể cả các loại bình điện hydrid kim loại niken và bình điện lithium-ion, sẽ được gửi đi tái chế sau đó vận chuyển trở lại Nhật Bản để sản xuất bình điện hybrid mới.
Toyota đã chi 19 tỷ baht cho hoạt động sản xuất xe hybrid ở Thái Lan, với kế hoạch lắp ráp 7.000 xe hybrid mỗi năm, sản xuất 70.000 bình điện và sản xuất 9,1 triệu bộ phận khác tại nhà máy Gateway ở Chachoengsao.
Anh Tuấn (Lược dịch từ The Bangkok Post)