Chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh các nỗ lực để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào nước này. Ảnh: Reuters
Dịch tả lợn châu Phi - loại dịch bệnh giết chết gần như tất cả những con lợn bị lây nhiễm - đã lan rộng khắp châu Á từ Trung Quốc, Mông Cổ, Việt Nam cho đến Campuchia. Hàng triệu con lợn đã bị tiêu hủy, tạo ra sự thiếu hụt protein toàn cầu và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho người nông dân và các doanh nghiệp thực phẩm.
Thái Lan tiến hành các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt tại các sân bay và trạm kiểm soát biên giới, xử phạt các thương nhân và lò mổ bất hợp pháp, đồng thời áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn để báo cáo về tình trạng lợn chết. Chính quyền đã phát hiện các sản phẩm thịt lợn nhiễm bệnh tại các sân bay và biên giới, nhưng chưa tìm thấy bất kỳ trường hợp nào tại các trang trại. Ông Anan Suwannarat, thư ký thường trực của Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết nước này đã nâng cao cảnh báo về virus gây dịch tả lợn châu Phi, và đang cố gắng bằng mọi cách để ngăn chặn virus này lan sang Thái Lan.
Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, đã cố gắng ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh kể từ tháng 8 năm ngoái, nhưng vì không có vaccine, loại virus này vẫn tiếp tục lây lan.
Rủi ro kinh tế
Việt Nam, nước sản xuất thịt lợn lớn nhất Đông Nam Á, đã phát hiện trường hợp nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi đầu tiên hồi tháng 2 năm nay. Chưa đầy 2 tháng sau, Campuchia cũng ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên trong nước.
Theo ông Cheerasak Pipatpongsopon, Phó Tổng cục trưởng Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan, ngăn chặn sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi là chương trình nghị sự quốc gia nước này. "Ngay cả khi dịch bệnh xâm nhập vào đất nước, chúng tôi sẽ nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát để giảm thiểu thiệt hại", ông Cheerasak cho biết.
Bộ Nông nghiệp Thái Lan ước tính, một vụ dịch có thể gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD cho nền kinh tế đất nước nếu hơn 50% đàn lợn cả nước bị nhiễm bệnh. Con số này có thể lên đến gần 2 tỷ USD nếu 80% đàn lợn bị nhiễm bệnh. Tháng trước, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt ngân sách 4,7 triệu USD để chuẩn bị cho trường hợp nước này bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Thái Lan sản xuất hơn 2 triệu con lợn mỗi năm và xuất khẩu khoảng 40% sang Campuchia, Lào và Myanmar. Nước này không nhập khẩu lợn sống hoặc thịt lợn, và giờ đây du khách cũng không được phép mang các sản phẩm thịt lợn đã chế biến vào Thái Lan.
Theo ghi nhận từ Cục Chăn nuôi, Thái Lan đã tịch thu 550 lần các sản phẩm thịt lợn tại các sân bay trên cả nước và biên giới kể từ tháng 8 năm ngoái, trong đó có 43 lần phát hiện thịt nhiễm virus.
Trang Bloomberg cho rằng, sự bùng phát dịch sốt lợn châu Phi ở nền kinh tế lớn thứ 2 ASEAN có thể gây rủi ro cho các công ty thực phẩm lớn như Betagro Pcl và Charoen Pokphand Food Pcl, và đe dọa 180.000 hộ kinh doanh nhỏ. Đồng thời, dịch bùng phát cũng sẽ tạo ra thách thức ngay lập tức cho chính phủ vừa được hình thành ngay sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3 vừa qua.
Tố Quyên
(Lược dịch từ Bloomberg)