Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 14/6 gửi một lá thư tới Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân ngày quốc khánh Nga. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga vào tháng 11/2015 đã đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia rơi vào tình trạng căng thẳng.
Tổng thống Nga (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: india.com.
Theo Kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bức thư, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được đến một mức xứng đáng.
Phản ứng về thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov xác nhận, ông Erdogan đã gửi thư cho Tổng thống Putin thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên phía Nga không công bố chi tiết của bức thư.
Bức thư được cho là bước đi quan trọng tiếp theo sau một loạt các dấu hiệu trong những tuần gần đây cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn sửa chữa mối quan hệ với Nga đang rơi xuống mức thấp lịch sử sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga.
Nga đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi và bồi thường
Theo Reuters, Nga muốn khôi phục mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên phải thực hiện đền bù vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga hồi năm ngoái.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Moscow ngày 15/6, thư ký báo chí của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói rằng, Nga muốn bình thường hóa các mối quan hệ, trở lại thời kỳ hợp tác tốt đẹp và đôi bên cùng có lợi.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ rằng sau những gì xảy ra, bất cứ sự bình thường hóa các mối quan hệ nào dường như không thể diễn ra trước khi Thổ Nhĩ Kỳ có những bước đi cần thiết - ám chỉ quan điểm kiên định của Nga rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi và bồi thường cho vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga hồi năm ngoái.
Nhu cầu trao đổi năng lượng sẽ làm tan băng giá
Trước những bước đi làm hòa của Thổ Nhĩ Kỳ, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu vấn đề khí đốt đang giúp làm tan băng bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?
Với một dự án nhà máy điện hạt nhân đang được tiến hành và một đường ống dẫn khí mới trên bàn đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang tiến tới một quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này đã thay đổi sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga ở biên giới Syria, với việc hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Nga đã cấm nhập khẩu thực phẩm, rau, hoa quả, giới hạn hoạt động của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga, cắt dòng chảy du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ làm giảm 68% lượng khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ trong 4 tháng đầu năm nay.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm chậm lại các dự án năng lượng với Nga. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu gần như bị dừng lại và một dự án đường ống dẫn khí đốt chính mà Nga cho rằng quan trọng nhất cũng đang bị đóng băng.
Theo chuyên gia về năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ Gokhan Yardim, Nga đang chịu sức ép tìm kiếm một tuyến đường khí đốt thay thế tới châu Âu khi thỏa thuận vận chuyển với Ucraina dự kiến hết hạn vào năm 2019.
Một lựa chọn cho Nga đó là đường ống dòng chảy phương Nam chạy tới Bulgaria qua Biển Đen tới châu Âu. Tuy nhiên dự án này không nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là lựa chọn mà Nga mong muốn hướng tới để thay thế tuyến đường Ukraine.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bắt đầu chịu tác động của các biện pháp trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu tổn thất lớn trong ngành du lịch và xuất khẩu, trong khi Nga phải đối mặt với nguy cơ mất đi một đối tác chiến lược trong các dự án năng lượng khổng lồ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga và dầu cho các nguồn cung cấp năng lượng. Chính vì vậy, nhà lãnh đạo hai bên gần đây liên tục có các thông điệp hòa giải lẫn nhau. Trong chuyến thăm Hy Lạp mới đây, Tổng thống Putin đã truyền đi thông điệp đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh Nga không muốn chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp lại Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ hy vọng căng thẳng sẽ được giải quyết sớm nhất có thể.
Ông Erdogan nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không muốn gây căng thẳng với Nga. Tôi tin rằng cả hai bên nên nỗ lực tái phát triển và đưa mối quan hệ lên mức cao hơn. Tôi hy vọng hai bên sẽ vượt qua bất đồng sớm nhất có thể. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ nối lại các bước đi mà hai nước đã từng đưa ra để cải thiện quan hệ trong thập kỉ qua”.
Với sự ra đi của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu- người mà Nga cho rằng chịu trách nhiệm về vụ bắn hạ máy bay và thay thế bởi Thủ tướng Binali Yildirim có lập trường hòa giải, mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, những tác động kinh tế hiện hữu và mong muốn cứu vãn các dự án năng lượng hạt nhân…, giới chuyên gia cho rằng đã hội tụ đủ các điều kiện để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể xích lại gần nhau./.
Theo VOV