|
Cánh cửa vào châu Âu đã đóng sập với người tị nạn. Ảnh Reuters
|
Đây là quy định được theo thỏa thuận "lịch sử" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) hôm 18/3 vừa qua nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp đổ vào châu Âu. Tuy nhiên, liệu thỏa thuận này có khả thi hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Để thực thi thỏa thuận hành động chung với Liên minh châu Âu (EU) về giải quyết khủng hoảng người tị nạn, Thổ Nhĩ Kỳ vừa đẩy mạnh việc thiết lập các trung tâm tiếp nhận người di cư “hồi hương” ngay trước khi thỏa thuận này có hiệu lực.
Theo đó, một trung tâm tiếp nhận ở Cesme, tỉnh Izmir, nằm đối diện đảo Chios của Hy Lạp đã bắt đầu đi vào hoạt động. Nguồn tin từ Ủy ban Châu Âu (EC) cho hay, từ ngày 4/4, 500 người di cư đầu tiên sẽ được đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ từ Hy Lạp.
Theo thỏa thuận đã đạt được giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, các trường hợp người tị nạn tới Hy Lạp từ ngày 20-3 sẽ bị trục xuất trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, các nước EU cũng sẽ phải tiếp nhận lại số trường hợp tương ứng người Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ theo công thức 1-1, tức Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hồi hương 1 người thì EU sẽ tiếp nhận 1 người tị nạn Syria.
Mục tiêu của thỏa thuận này là đóng cửa con đường chính thông qua biển Aegean- vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, mà qua đó hơn 1 triệu người di cư đã đổ vào châu Âu hồi năm 2015. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết tình trạng "tắc nghẽn" di cư vốn đang đặt gánh nặng lớn lên vai các quốc gia Châu Âu.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận này. Nhiều tổ chức về nhân quyền cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một đất nước an toàn với người tị nạn.
Ông Metin Corabatir, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu tị nạn và di cư (IGAM) có trụ sở tại Ankara cho biết: “Tại Thổ Nhĩ Kỳ đang dấy lên tranh cãi lớn, rằng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có phải quốc gia thứ 3 an toàn hay không? Theo quan điểm của tôi, vào thời điểm này thì Thổ Nhĩ Kỳ thực sự không phải là quốc gia thứ 3 an toàn cho người tị nạn”.
Tổ chức Ân xá quốc tế cũng cho rằng, thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ - EU là một đòn giáng mạnh vào quyền con người khi chỉ trong vài tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất hàng loạt người tị nạn Syria về quốc gia đang ngập trong nội chiến.
Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp cũng đang rơi vào tình thế khó khăn khi phải đối phó với tình trạng bạo lực ngay trước khi thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ được thực thi.
Cuối tuần qua, hàng nghìn người di cư đã biểu tình phản đối kế hoạch trục xuất người tị nạn ngược trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Các hòn đảo của Hy Lạp hiện đang trở thành những điểm nóng, sau khi cộng đồng người di cư mắc kẹt tại đây đã tổ chức đập phá trại tập trung ở Chios.
Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ còn làm dấy lên mối lo ngại làm gia tăng làn sóng di cư mới sang Italia bằng đường biển Địa Trung Hải. Kể từ khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về việc ngăn chặn dòng người di cư từ nước này sang châu Âu vừa qua, số người tới các cảng biển của Italy qua Địa Trung Hải đã tăng cao gấp hai lần số người tới Hy Lạp qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định được tính hiệu quả thực sự của thỏa thuận ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp đổ về châu Âu đã được EU và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết. Dẫu vậy, trước mắt thỏa thuận này vẫn được kỳ vọng sẽ giúp châu Âu giảm bớt phần nào gánh nặng từ “bài toán nan giải” liên quan tới vấn đề người nhập cư./.
Theo VOV