Cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un một lần nữa đã trở lại đúng lộ trình, mở ra triển vọng về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Những phát ngôn của Tổng thống Trump giờ đây thiên về một tiến trình, với thêm nhiều cuộc gặp Thượng đỉnh nữa cho mục tiêu phi hạt nhân hóa.
|
Tổng thống Trump (giữa) cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo (phải) tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) tại Nhà Trắng. Ảnh: AP |
Mọi chú ý đang hướng vào thỏa thuận phi hạt nhân có thể đạt được giữa Mỹ và Triều Tiên. Thỏa thuận này sẽ như thế nào? Giới chuyên gia cho rằng, nếu “phi hạt nhân hóa” ở đây đáp ứng được các yêu cầu của cả Mỹ và Triều Tiên thì đây sẽ là một thỏa thuận “lịch sử”.
“Phi hạt nhân hóa”
“Vấn đề lớn nhất trong tất cả là Mỹ định nghĩa “phi hạt nhân hóa” như thế nào và với Triều Tiên định nghĩa này là gì?”, ông Victor Cha, một cựu quan chức Mỹ từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống W. Bush nhận định.
Khi Mỹ và Triều Tiên rút ngắn bất đồng và có cùng một cái nhìn về “phi hạt nhân hóa” thì một thỏa thuận lịch sử liệu có nằm trong tầm tay Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại bàn thảo luận Thượng đỉnh ngày 12/6 tới?
Hãy quên đi kịch bản Libya, với “cái kết bi thảm” của nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi sau khi từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây đang nói đến cả một tiến trình sau đó để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Theo đó, cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới là bước khởi đầu.
Còn chưa đầy một tuần nữa, ông Trump và ông Kim sẽ “mặt đối mặt” ngồi vào bàn thảo luận tại Singapore. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia tại Bắc Á, với kinh nghiệm và đã chứng kiến nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua, một thỏa thuận “tương tự trong quá khứ” có thể lặp lại. Một số ý kiến chuyên gia nói đến sự “khoa trương” mà họ từng chứng kiến và thỏa thuận như vậy chỉ dẫn tới đổ bể sau đó.
Các nhà phân tích chỉ ra những yếu tố then chốt mà Mỹ và Triều Tiên cần đạt được để tiến tới thỏa thuận lần này.
Thứ nhất là định nghĩa “phi hạt nhân hóa”. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và giới chức Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump khẳng định mục tiêu “phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” trên Bán đảo Triều Tiên, gọi tắt là “CVID”.
Về phần mình, Bình Nhưỡng cũng khẳng định kịch bản phi hạt nhân hóa đầy tham vọng và dài hạn, bao gồm cả vấn đề hiện diện khí tài hạt nhân của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên cũng như các chương trình hạt nhân của Washington.
Theo ông Victor Cha, quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách Các vấn đề châu Á dưới thời cựu Tổng thống W. Bush, “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” là cụm từ Triều Tiên đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua và hồ sơ Triều Tiên giờ đây còn phức tạp hơn, khi Bình Nhưỡng đã có vũ khí hạt nhân, với tên lửa tầm xa và thậm chí là đầu đạn hạt nhân.
Bất cứ thỏa thuận nào theo mong muốn của Mỹ sẽ là kiểm chứng chi tiết kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, từ các hệ thống vũ khí đến công nghệ phát triển. Hay nói một cách khác, Triều Tiên sẽ phải công khai hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.
Hơn thế nữa, thỏa thuận này cũng sẽ đặt ra thời hạn để Triều Tiên phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân và hệ thống vũ khí, trong đó có những tên lửa liên lục địa có thể chạm tới bờ biển phía Tây nước Mỹ mà Triều Tiên đã thử nghiệm trong năm 2017, năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền.
Mỹ đang kỳ vọng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý phơi bày chi tiết chương trình hạt nhân của mình. Ông Victor Cha cho rằng, việc thuyết phục ông Kim từ bỏ các đầu đạn hạt nhân là “không thể thành hiện thực”. Thực tế, chương trình hạt nhân vẫn đóng vai trò đảm bảo sự sống còn cho Bình Nhưỡng và là "lá bài chiến lược" trên bàn đàm phán của Triều Tiên.
“Tiến trình phi hạt nhân hóa dài hạn”
Trong tuyên bố cuối tuần trước sau khi tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới chỉ là bước khởi đầu và tiến trình phi hạt nhân hóa sẽ còn tiếp diễn với thêm nhiều cuộc gặp Thượng đỉnh nữa.
Harry Kazianis, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Quốc phòng và an ninh châu Á tại Trung tâm Lợi ích quốc gia tại Washington vạch ra lộ trình cho tiến trình phi hạt nhân hóa của Tổng thống Trump.
“Kế hoạch này có thể hiệu quả với từng bước một. Triều Tiên sẽ từ bỏ một số vũ khí hạt nhân trước, còn Mỹ sẽ dỡ bỏ một số trừng phạt. Sau đó, Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ thêm một số tên lửa đạn đạo liên lục địa và Mỹ sẽ có thêm các bước tiếp theo”, ông Harry Kazianis nói.
Theo kế hoạch mà ông Harry Kazianis đưa ra, tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ đạt được những kết quả đáng kể vào tháng 1/2021- thời điểm Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên.
“Tôi cho rằng, lộ trình này có thể hiệu quả”, ông Harry Kazianis khẳng định.
Từ trước khi Tổng thống Trump đề cập tiến trình phi hạt nhân hóa, giới chức Mỹ đã để ngỏ khả năng này nhằm thực hiện một kế hoạch đồng bộ và một tiến trình không thể đảo ngược.
“Miễn là Triều Tiên chấp nhận “cuộc chơi”, Mỹ sẽ mở ra một tiến trình”, bà Susan Thornton, nhà Ngoại giao trưởng phụ trách Đông Á của Mỹ phát biểu tại Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 5.
Với các chuyên gia phân tích kỳ cựu, một phần quan trọng trong cuộc gặp Thượng đỉnh với Triều Tiên lần này là việc Mỹ phải tính đến các bước thúc đẩy thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa, thay vì để thỏa thuận đổ bể như trước đây và khiến căng thẳng leo thang trở lại.
Với Tổng thống Trump, chính sách cứng rắn một mực yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể sẽ khiến tham vọng giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên rơi vào bế tắc. Việc ông Trump tuyên bố không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng, cũng như không sử dụng cụm từ quen thuộc lâu nay “sức ép tối đa” sẽ là “tiến hiệu” mới để giới quan sát đặt hy vọng vào bàn thảo luận Thượng đỉnh Mỹ-Triều./.
Theo VOV