Thảm hoạ động đất và sóng thần tấn công đảo Sulawesi ở Indonesia để lại những thiệt hại nặng nề cho trẻ em trong khu vực. Ảnh: AFP
Tổng cộng có 1.411 người được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 2.500 người bị thương, sau khi trận động đất mạnh xảy ra vào ngày 28/9 trên đảo Sulawesi của Indonesia.
Trong bối cảnh các quan chức đang khẩn trương giải quyết nhu cầu cơ bản của những người sống sót và các nhóm viện trợ nước ngoài đổ xô đến khu vực xảy ra thảm họa, sự chú ý đang tập trung vào số lượng khổng lồ trẻ em không còn cha mẹ hoặc bị tách khỏi gia đình.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) cho biết, nhiều trẻ em đang ngủ trên đường phố, giữa những đống đổ nát ở thành phố Palu; chính quyền cần phải khẩn trương xác định và đoàn tụ trẻ em với người thân của chúng.
"Thật khó để tưởng tượng một tình huống đáng sợ hơn đối với một đứa trẻ. Nhiều trẻ em bị sốc và tổn thương, một mình và sợ hãi. Những trẻ nhỏ đang tìm kiếm người thân còn sống sót sẽ chứng kiến và trải qua những cảnh tượng khủng khiếp mà không đứa trẻ nào nên phải đối mặt", Zubedy Koteng, cố vấn bảo vệ trẻ em của cơ quan này nhấn mạnh.
Trong một động thái liên quan, Hội Chữ thập đỏ thông tin, họ đang gửi 3 tàu chở hàng cứu trợ, bao gồm nhà bếp di động, lều, túi đựng thi thể và màn chống muỗi; trong khi đó, Chính phủ các quốc gia từ Singapore đến Anh cũng cam kết thực hiện sự hỗ trợ.
Một người đàn ông đang chạy xe máy, cùng dòng chữ trên lưng: “Tìm vợ tôi Atri và con tôi Fajar, cư dân của Perumnas” trong thành phố Palu, Indonesia. Ảnh: AFP
Theo tờ AFP, những người cứu hộ đang tìm kiếm những nạn nhân sống sót, tập trung ở một số khu vực chính xung quanh thành phố Palu, bao gồm khách sạn Roa-Roa, nơi nhiều người được cho là vẫn còn bị chôn vùi, một trung tâm mua sắm, một nhà hàng và khu vực Balaroa.
Hiện có một số dấu hiệu nhỏ cho thấy cuộc sống bình thường đang quay trở lại, khi nguồn điện được cung cấp ở một số khu vực của thành phố Palu, mạng điện thoại đang hoạt động trở lại và thậm chí một số khu chợ cũng mở cửa hoạt động.
Tuy nhiên, đối với hầu hết người dân địa phương, cuộc sống hàng ngày đã thay đổi rất nhiều. Người dân Palu phải chờ đợi thành hàng dài để nhận được nước, hoặc tiền mặt từ những đoàn xe cảnh sát vũ trang, trong khi nhiều hàng dài chờ đợi để lấy được một vài lít xăng, kéo dài suốt hơn 24 giờ đồng hồ ở một số khu vực.
Thanh Ngân (Lược dịch từ AFP)