Thứ Ba, 14/06/2016 15:26
(GMT+7)
Trung Quốc: Hiến tinh trùng, được tặng iPhone
Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi nam giới hiến tặng tinh trùng vì chưa có nhiều người tình nguyện làm chuyện này.
Sau khi Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ 2, nhiều người lo ngại rằng vấn đề của các ngân hàng tinh trùng sẽ trầm trọng thêm.
Hiện không có nhiều người tình nguyện hiến tặng vì những lý do khác nhau. Ngoài ra, một nghiên cứu tiết lộ gần 50% người đề nghị hiến tặng tinh trùng không được chấp nhận vì không đáp ứng yêu cầu.
Giờ đây, nhà chức trách kêu gọi những người trong độ tuổi từ 20-45 giúp đối phó cuộc khủng hoảng thiếu tại các ngân hàng tinh trùng. Họ hứa sẽ trả tiền mặt (đến 1.000 USD) hoặc một chiếc điện thoại iPhone mới cáu cạnh để khuyến khích người dân.
Các ngân hàng tinh trùng Trung Quốc đang kêu gọi sự giúp đỡ của người dân. Ảnh: Alamy
Theo tờ New York Times, trên mạng xã hội, những người dùng mạng nam giới liên tục nhận được thư kêu gọi đi hiến tinh trùng từ các nhân vật trong trò chơi. Tờ báo này cho biết dân số Trung Quốc đang già đi, làm giảm số người trong độ tuổi lao động. Chính vì thế các phương tiện truyền thông liên tục kêu gọi người dân “thể hiện lòng yêu nước” bằng cách hiến tinh trùng.
Các yêu cầu bao gồm người hiến tặng trong độ tuổi từ 20 đến 40, có bằng cấp, cao ít nhất 1m65 và không có bệnh di truyền. Những người được lựa chọn phải hiến ít nhất 17 ml tinh trùng trong vòng 6 tháng.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang đối mặt không ít thách thức trong nỗ lực này. Một trong những lý do là từ lâu y học Trung Quốc gắn liền tinh trùng với sức sống của nam giới, khiến nhiều đấng mày râu e ngại không muốn hiến tặng. Thêm vào đó, mặc dù tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng nhưng nhiều gia đình cảm thấy không thoải mái khi sử dụng tinh trùng của một người đàn ông xa lạ để sinh con, cho rằng điều này đi ngược lại các giá trị Nho giáo.
Các quảng cáo liên quan đang tìm cách thay đổi suy nghĩ trên. “Hiến tinh trùng và hiến máu đều giống nhau. Đó là những đóng góp cho xã hội” – thông điệp của một ngân hàng tinh trùng ở Bắc Kinh nhấn mạnh.
Theo Người lao động