Quảng trường Kim Nhật Thành được trang hoàng chào mừng Quốc khánh Triều Tiên. |
Hoạt động kỷ niệm của Triều Tiên
Ngay từ sáng sớm ngày 9/9, hàng trăm chiếc xe chở hàng nghìn binh sỹ đã xếp hàng bên bờ sông ở Bình Nhưỡng, sẵn sàng cho lễ duyệt binh. Trước đó tối 8/9, các hoạt động kỷ niệm bắt đầu với một buổi hòa nhạc dành cho hàng nghìn người tại Sân vận động trong nhà ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại những sự kiện như vậy, các nghệ sỹ Triều Tiên thường biểu diễn trước một màn hình lớn trưng bày những thành công của đất nước.
Trong các lần kỷ niệm Quốc khánh của Triều Tiên những năm trước đây, người ta thường thấy xuất hiện hình ảnh những vụ phóng tên lửa đạn đạo và vụ thử hạt nhân, dưới sự thị sát của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, năm nay, thay vì chiếu hình ảnh tên lửa, các hình ảnh trong buổi hòa nhạc ngày 8/9 bao gồm các danh lam thắng cảnh nổi bật ở Triều Tiên như ngọn núi biểu tượng Paektu, các thành tựu phát triển kinh tế như nhà máy, phân xưởng, cánh đồng lúa. Chỉ có một số hình ảnh ngắn về quân sự với các trang thiết bị thông thường như xe tăng và máy bay, với thông điệp chạy phía trên màn hình là “Sức mạnh quân sự đảm bảo hòa bình!”. Và ngay sau đó, hình ảnh về quân sự được thay thế bằng hình ảnh các cánh đồng táo chín đỏ mọng
Chuyên gia Evans Revere thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington cho biết: “Lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh rất quan trọng với Triều Tiên và sự kiện năm nay còn đặc biệt hơn. Những buổi lễ như thế này là dịp để nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện thành tựu và sức mạnh của quốc gia”.
Tại sao Triều Tiên không trình chiếu hình ảnh tên lửa?
Các nhà phân tích nhận định, sở dĩ Triều Tiên không trình chiếu hình ảnh tên lửa, hay các vụ thử hạt nhân là bởi việc quá phô trương về sức mạnh quân sự có thể phá vỡ các hoạt động ngoại giao đang diễn ra trên Bán đảo Triều Tiên.
Tình hình đã thay đổi kể từ Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc tháng 2/2018, Triều Tiên đã có những biến chuyển lớn về ngoại giao khi tổ chức thành công các Hội nghị Thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ, qua đó gửi đến một thông điệp khác với thế giới về mong muốn hoà bình và phi hạt nhân hoá. Theo dự kiến, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại thủ đô Bình Nhưỡng vào cuối tháng 9 này.
Chuyên gia Andrei Lankov thuộc Tổ chức Rủi ro Triều Tiên (KRG) cho rằng: “Nếu Triều Tiên trình chiếu hình ảnh tên lửa ICBM thì đây sẽ là một hành động khiêu khích lớn và là “cú đòn” giáng thẳng vào bộ mặt nước Mỹ”. Ông Andrei Lankov nhận định, Triều Tiên sẽ không làm như vậy, đặc biệt khi lễ kỷ niệm Quốc khánh sẽ có sự tham gia của phái đoàn cấp cao Trung Quốc do ông Lật Chiến Thư - Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc dẫn đầu.
Bắc Kinh là đối tác thương mại và ngoại giao quan trọng của Triều Tiên. Mối quan hệ hai nước hiện giờ đang ấm dần lên, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm Trung Quốc 3 lần để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Việc ông Tập Cận Bình cử phái đoàn cấp cao tới Triều Tiên nhân dịp Quốc khánh của nước này là một quyết định khôn khéo. Điều đó vừa cho thấy sự ủng hộ đối với Triều Tiên, lại không khiến Tổng thống Mỹ Donald tức giận, bởi Trung Quốc và Mỹ đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang. Hơn nữa, động thái này cho thấy, Bắc Kinh muốn ông Kim Jong-un nỗ lực nhiều hơn nữa để giảm căng thẳng trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Triều Tiên.
Triều Tiên đã gửi lời mời các phái đoàn ngoại giao quốc tế đến tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh của nước này. Hãng tin AFP dẫn lời ông John Delury, thuộc Đại học Yonsei ở Hàn Quốc cho biết, nội dung của lễ duyệt binh sẽ là “chìa khóa” để thể hiện thiện chí của Triều Tiên. “Điều này cho thấy liệu Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thực sự cố gắng thay đổi hình ảnh và biểu tượng, đưa đến thông điệp giảm các hoạt động quân sự và tăng cường xây dựng kinh tế hay không?”.
Hồi tháng 4/2018, ông Kim Jong-un tuyên bố “xây dựng nền kinh tế theo định hướng chủ nghĩa xã hội” sẽ là ưu tiên chiến lược mới của ông.
Theo VOV