ClockThứ Năm, 29/08/2019 07:30

Việt Nam đạt nhiều tiến bộ về bình đẳng giới

TTH.VN - Trên toàn cầu, phụ nữ vẫn đang phải đấu tranh để đạt được bình đẳng giới, như các vị trí lãnh đạo hay doanh nhân hàng đầu... Nhưng Việt Nam, một thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới.

Cần đẩy nhanh tiến trình hướng đến bình đẳng giớiVị trí của phụ nữ trong các vấn đề toàn cầuG7 cam kết đưa bình đẳng giới trở thành “mục tiêu toàn cầu"

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc hãng hàng không VietJet Air của Việt Nam, phát biểu trong một sự kiện ở Dubai. Ảnh: AFP

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước của LHQ về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1982 với sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động của đất nước ở mức hơn 73%, một trong những mức cao nhất ở Đông Nam Á. Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam nằm trong số 25 quốc gia hàng đầu thế giới về thu hẹp khoảng cách giới trong lao động.

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Một báo cáo gần đây của Grant Thornton tiết lộ rằng phụ nữ nắm giữ 36% vị trí quản lý cấp cao trong các doanh nghiệp Việt Nam, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Philippines với tỷ lệ 37,5%.

Việt Nam cũng có một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Dựa trên một nghiên cứu của Mastercard năm 2018 về các doanh nhân nữ, 31,3% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc sở hữu của phụ nữ. Con số này đưa Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong số 53 nền kinh tế được khảo sát, cao hơn Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Âu.

Báo cáo năm 2017 của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy 57% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam là doanh nghiệp siêu nhỏ, 42% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và 1% là doanh nghiệp lớn. Chính phủ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó hơn 1/3 sẽ thuộc sở hữu của phụ nữ.

Mặc dù được đánh giá cao trong chỉ số của Mastercard nhưng phụ nữ Việt Nam lại xếp trong nhóm thấp nhất về “Chất lượng quản trị” (xếp thứ 47), “Các yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp” (thứ 48)... Phụ nữ Việt Nam cũng bị thiệt thòi về phương diện văn hóa khi xếp hạng trong “Nhận thức về văn hóa đối với nữ doanh nhân” thấp hơn hầu hết các thị trường Đông Nam Á.

Nghiên cứu Mastercard cũng ghi nhận sự chênh lệch giữa nam và nữ trên toàn khu vực. Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường hoạt động nhỏ hơn so với các doanh nghiệp do nam giới điều hành. Phụ nữ cũng hoạt động trong các lĩnh vực dễ bị bất ổn kinh tế như các doanh nghiệp bán lẻ và bán buôn. Ngoài ra, phụ nữ ở Việt Nam cũng phải đôi mặt với khoảng cách giới và chênh lệch thu nhập, cũng như bị quấy rối tình dục.

Hạn chế về vốn

Một phân tích năm 2019 của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho thấy, nếu tỷ lệ phụ nữ và nam giới tham gia kinh doanh ngang bằng nhau, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể tăng khoảng 3%-6%, thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng 2,5 nghìn tỷ USD. Theo công ty tư vấn, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường gặp phải 4 loại hạn chế khác nhau: hạn chế về vốn xã hội và con người, bất lợi về tài chính, kỳ vọng về xã hội và văn hóa và các rào cản về thể chế.

Phân tích của IFC và nhận thấy rằng những thành kiến ​​vốn có ảnh hưởng đến khả năng của phụ nữ trong việc tiếp cận tài chính chính thức và các dịch vụ tài chính khác. Trong nghiên cứu, 37% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã tiếp cận với các khoản vay ngân hàng trong 2 năm qua, so với 47% của các chủ doanh nghiệp nam giới.

Theo báo cáo hợp tác năm 2018 của Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Quỹ châu Á và sáng kiến ​​kinh doanh Mekong (MBI), nhu cầu về nguồn tài chính của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là rất cao. Báo cáo “Đánh giá nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam” nhận thấy rằng 66% các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ muốn nhận được hỗ trợ tài chính nhưng chỉ có 20,5% nhận được. Như hiện tại, khoảng cách tài chính ước tính là 1,19 tỷ USD cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Để tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần hỗ trợ các nữ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và thị trường. Amy Luinstra, quản lý chương trình IFC và cố vấn giới ở Đông Á-Thái Bình Dương cho biết cần hành động nhiều hơn nữa để kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ của phụ nữ với các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.

Tại Việt Nam, môi trường pháp lý tạo nền tảng tốt cho các công ty phát triển chính sách giới toàn diện trong các tổ chức. Tuy nhiên, không dễ để vượt qua định kiến ​​và các chuẩn mực văn hóa vì chúng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhận thức truyền thống về vai trò giới.

Giải quyết các rào cản

Một hệ thống hỗ trợ là rất cần thiết để giúp các nữ doanh nhân Việt Nam thành công. Sáng kiến ​​hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) là một tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ Việt Nam lãnh đạo nhằm giải quyết các thách thức đặc thù về giới thông qua việc cố vấn và gây quỹ. Bên cạnh hỗ trợ, WISE cũng kết nối phụ nữ với các nguồn lực và cơ hội để đổi mới và phát triển.

Năm 2018, VPBank đã ra mắt gói cho vay được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và từ đó đến nay đã giải ngân 12.000 khoản vay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã thiết lập quyền tiếp cận miễn phí vào các dịch vụ phi tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo, cho phép họ chia sẻ kinh nghiệm và tìm cơ hội kết nối mới cho doanh nghiệp của mình. Giảm bớt các rào cản tài chính cho phụ nữ có thể trao quyền cho họ, từ đó có thể có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, bình đẳng giới và giảm nghèo.

BẢO NGHI (Lược dịch từ The ASEAN Post)  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chênh lệch lương theo giới tính ở Australia được thu hẹp

Báo cáo mới của Chính phủ Australia cho biết khoảng cách lương theo giới tính ở nước này đã thu hẹp theo từng năm, mặc dù vẫn chênh lệch ở mức hơn 20% tại các công ty tư nhân ở Australia, và trung bình mỗi năm, nhân viên nữ vẫn kiếm được ít hơn 28.425 AUD so với đồng nghiệp nam của họ.

Chênh lệch lương theo giới tính ở Australia được thu hẹp
Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024

Ngày 18/11, huấn luyện viên trưởng Kim Sang Sik đã công bố danh sách 30 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị cho giải vô địch Đông Nam Á – ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024. Danh sách sẽ tiếp tục có sự bổ sung sau khi câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định hoàn thành thi đấu tại vòng bảng AFC Champions League Two 2024/25.

Danh sách đội tuyển Việt Nam chuẩn bị tham dự ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024
Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, ngày 13/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức có công văn đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét và chấp thuận giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn tổ chức các trận thi đấu của Đội tuyển Việt Nam trong khuôn khổ vòng loại Giải Bóng đá vô địch Đông Nam Á Mitsubishi Electric Cup 2024 (AFF Cup 2024).

Đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu AFF Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì
Return to top