Một nhà hàng ở Từ Liêm, Hà Nội đã treo ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ngoài cửa với dòng chữ “Chào đón ông Kim Jong-un và Donald J. Trump”. Ảnh: Getty
Theo Reuters, trong khi lãnh đạo các nước Triều Tiên và Mỹ đang bàn luận về việc phi hạt nhân hóa, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 27-28/2 - Việt Nam, đang thể hiện tốt vai trò thúc đẩy hòa bình.
Các quan chức Việt Nam nhận định việc Hà Nội trở thành nơi tổ chức những cuộc họp cấp cao đánh dấu sự nổi lên của quốc gia này như là một thành viên có trách nhiệm, đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế, có thể để lại quá khứ thù địch sau lưng hướng tới hòa bình và hiện thời có thể giúp những quốc gia khác đạt được mục tiêu tương tự.
Reuters cho rằng điều này phản ánh chính sách ngoại giao phù hợp mà Việt Nam theo đuổi nhiều năm qua. Việc thúc đẩy vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua hội nghị thượng đỉnh sẽ bổ trợ cho chiến lược nói trên.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói rằng Mỹ và Triều Tiên đều muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam. “Điều này cho thấy Việt Nam là một thành viên năng động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, muốn đóng góp vào tiến trình hòa bình và Việt Nam muốn nâng cao mức độ của chiến lược ngoại giao đa phương”, Reuters dẫn lời ông Lê Hoài Trung.
Theo Reuters, Việt Nam đã liên tiếp trải qua chiến tranh trong thế kỷ 20 từ khi Thế chiến 2 kết thúc cho tới đầu những năm 1990. Ông Trung cho rằng hàng chục năm trước, Việt Nam là bên tham gia vào đàm phán hòa bình tại các hội nghị ở Geneva (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp), thì nay Hà Nội đã trở thành chủ nhà của một sự kiện quan trọng, thể hiện vị thế “thành phố vì hòa bình” của thủ đô Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh lòng yêu chuộng hòa bình của đất nước và con người Việt Nam.
Chân dung lãnh đạo Mỹ - Triều và hình ảnh cánh chim hòa bình trong một bức ảnh của hãng tin Yonhap, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Theo Reuters, Việt Nam rất mong muốn trở thành trung gian hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Chính phủ Việt Nam đã trở thành cầu nối để lực lượng an ninh hai nước phối hợp nhằm đảm bảo sự kiện diễn ra suôn sẻ.
Báo Anh dẫn lời một quan chức giấu tên cũng chia sẻ mong muốn được chứng kiến Mỹ và Triều Tiên ký tuyên bố hòa bình để chính thức khép lại cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Việt Nam cũng rất sẵn lòng tổ chức cuộc họp thứ 3 giữa 2 nhà lãnh đạo, quan chức trên cho biết.
Ông Nguyễn Quý Bình, cựu Đại sứ và Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho rằng hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ tăng cường vị thế cho Việt Nam.
“Tiếng nói của Việt Nam sẽ có thêm trọng lượng. Một quốc gia hành động có trách nhiệm và có uy tính, một quốc gia đáng tin cậy sẽ có tiếng nói khác”, ông Binh nói với Reuters.
Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định rằng việc đăng cai tổ chức một sự kiện quan trọng như hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một bước tiến của Hà Nội trong việc khẳng định vai trò trên trường quốc tế.
Theo Dantri