Robot dây chuyền lắp ráp tại một triển lãm ở Grand Palais, thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: AFP
Trong khi những nền kinh tế tiên tiến loại bỏ các việc làm công nghiệp trong 2 thập kỷ qua, sự gia tăng của việc làm trong lĩnh vực này ở Đông Á bù đắp nhiều hơn cho sự mất mát, theo một báo cáo thường niên được công bố bởi tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ).
"Đối với nỗi sợ hãi rằng robot loại bỏ việc làm; cho đến nay, nỗi sợ này không được hỗ trợ bởi các bằng chứng", nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Pinelopi Koujianou Goldberg nói trong một cuộc phỏng vấn.
Được biết, Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2019 là báo cáo mới nhất trong một loạt những nỗ lực của các học giả, chuyên gia tư vấn và các Chính phủ để đánh giá tác động của các công nghệ mới đối với việc làm. Các nghiên cứu trước đây thường dự báo tự động hóa sẽ loại bỏ nhiều việc làm hơn là tạo ra chúng.
Thay vào đó, trong báo cáo của mình, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, tính chất của công việc trong tương lai sẽ tiến hoá. Trong khi những tiến bộ công nghệ trong tự động hóa đang bắt đầu xử lý hàng ngàn nhiệm vụ thường xuyên và sẽ loại bỏ nhiều công việc tay nghề thấp ở các nền kinh tế tiên tiến và những quốc gia đang phát triển, thì nó cũng tạo ra cơ hội cho các công việc khác nhau, năng suất hơn và sáng tạo hơn.
Bà Koujianou Goldberg nói thêm: "Đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, và trong mỗi trường hợp chúng ta đã xoay sở để tồn tại, nên không phải máy móc loại bỏ hoàn toàn con người. Cuối cùng, chúng ta sẽ điều chỉnh".
Mặc dù các tác động là không đáng kể trên phạm vi toàn cầu, báo cáo cho hay, tỷ lệ việc làm công nghiệp giảm hơn 10 điểm phần trăm trong 2 thập kỷ qua ở các quốc gia bao gồm: Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Singapore; khi các công nhân chuyển từ sản xuất sang công việc dịch vụ.
Trong khi đó, tỷ lệ này đã tăng lên ở một số quốc gia đang phát triển, như Việt Nam, nơi con số này tăng từ mức 9% trong năm 1991, lên mức 25% vào năm 2017.
Trong tương lai, người lao động nhiều khả năng có nhiều việc làm trong suốt sự nghiệp của họ, phần lớn là do sự phát triển của nền kinh tế, thay vì giữ một vị trí với cùng một người sử dụng lao động trong nhiều thập kỷ, theo Ngân hàng Thế giới.
Bên cạnh đó, những kỹ năng khác nhau sẽ ngày càng trở nên quan trọng, báo cáo lưu ý. Thay vì các kỹ năng kém tiên tiến hơn có thể được thay thế bằng công nghệ, các nhà tuyển dụng sẽ ngày càng tìm cách thuê những người có kỹ năng nhận thức tiên tiến, như giải quyết vấn đề phức tạp, làm việc nhóm, lý luận và tài năng giao tiếp.
Một lĩnh vực quan tâm chính của Ngân hàng Thế giới là tác động của sự chuyển đổi công nghệ đối với các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Phi và những nơi khác với hy vọng sẽ bắt kịp các quốc gia tiên tiến hơn.
Trong quá khứ, những khu vực này có thể dựa vào sự phát triển nền kinh tế của họ bằng cách tận dụng mức lương thấp ở quốc gia sở tại và mở cửa cho ngoại thương. Tuy nhiên, mức lương sẽ ít liên quan hơn nếu máy móc thay thế nhiều người hơn, điều này có thể cản trở nỗ lực bắt kịp của các quốc gia, bà Koujianou Goldberg nhấn mạnh.
Lê Thảo (Lược dịch từ Bloomberg)