Chủ Nhật, 28/01/2018 21:06
(GMT+7)
WEF: Lo ngại về bất bình đẳng thu nhập và thiếu hụt niềm tin
TTH - Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) 2018, bên cạnh nhiều thông tin tích cực về tình hình thị trường chứng khoán toàn cầu và dự báo tăng trưởng kinh tế đang dần được nâng lên, chính phủ các nước vẫn cần để tâm đến những mối lo ngại nổi lên từ các lĩnh vực như chính trị, xã hội, môi trường...
Trong đó, những lo ngại về bất bình đẳng thu nhập và sự thiếu hụt niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị và quyền lãnh đạo của chính quyền đang là tâm điểm của cuộc hội đàm.
Logo của Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 tại Davos, Thuỵ Sỹ. Ảnh: Straitstimes News
Kết luận được đúc kết từ nhiều nghiên cứu của Oxfam cho thấy, 82% tài sản toàn cầu có được vào năm 2017 đều là kết quả từ tầng lớp siêu giàu - chiếm 1% dân số thế giới, trong khi ½ dân số toàn cầu còn lại hầu như không đóng góp bất tài sản giá trị nào.
Ngoài ra, chỉ số niềm tin được thu thập bởi công ty quan hệ công chúng Edelman Trust Barometer cũng chỉ ra vấn đề sụt giảm niềm tin đang diễn ra ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, khi chỉ số niềm tin của nước này được ghi nhận là giảm 37 điểm.
Bên cạnh đó, 22 trong tổng số 28 nước tham gia thăm dò đều xếp hạng các phương tiện truyền thông là tổ chức nhận được ít sự tin cậy từ dân chúng nhất. Sự mất mát này chủ yếu đến từ việc thiếu chắc chắn đối với nguồn tin có được trên các công cụ tìm kiếm, phương tiện truyền thông xã hội và hậu quả từ những thất bại trong những hứa hẹn xây dựng đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân thông qua toàn cầu hóa và đẩy mạnh thương mại tự do....
Đây là một kết cục hiển nhiên, khi 59% dân số cho rằng họ không có đủ niềm tin để xác nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông là sự thật, 56% dân số tin tưởng vào quyền lãnh đạo của chính quyền và tỷ lệ tin tưởng vào kinh doanh chỉ chiếm 42%.
Trước tình hình xã hội đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi cải cách toàn diện hệ thống thuế và thương mại toàn cầu để đảm bảo toàn cầu hóa, đồng thời nhấn mạnh các nhà lãnh đạo, cử tri cần trung thực khi đối mặt với các thách thức nhằm khôi phục niềm tin và đảm bảo chất lượng sống cao nhất cho người dân.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Peakoil News)