Người dân tại thành phố Derby (Anh) chờ đến lượt tiêm vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Số liệu kiểm đếm từ các nguồn tin chính thức cho hay, kể từ khi bùng phát hồi tháng 12/2019, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 4.500.620 người.
Trong đó, khoảng 10.000 trường hợp tử vong được báo cáo mỗi ngày trên thế giới, một con số thấp hơn nhiều so với mức cao nhất của tháng 1, khi trung bình có 14.800 người tử vong hàng ngày. Tuy nhiên, con số này cao hơn nhiều so với đầu tháng 7, khi có khoảng 7.800 ca tử vong được ghi nhận mỗi ngày.
Với mức trung bình 1.290 ca tử vong mỗi ngày trong tuần qua, Mỹ một lần nữa trở thành quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong mới nhất trên thế giới. Trước đó vào tháng 1, quốc gia này đã ghi nhận lên tới 3.380 trường hợp tử vong mỗi ngày, một con số đã giảm xuống chỉ còn 200 ca vào đầu mùa hè.
Hiện nay, Mỹ đang phải đối mặt với một làn sóng của các ca nhiễm biến thể Delta, biến thể đã lan rộng ra đại đa số các quốc gia trên khắp thế giới, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ hồi tháng 4.
Đáng chú ý, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn so với năm 2020; với hơn 2,6 triệu trường hợp tử vong được báo cáo chính thức kể từ tháng 1, so với gần 1,9 triệu trường hợp tử vong được báo cáo trong cả năm ngoái.
Các quốc gia trên thế giới đang hy vọng các loại vaccine ngừa COVID-19 sẽ giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh; song, có sự chênh lệch rất lớn giữa các quốc gia giàu và nghèo. Theo đó, chỉ có 7 liều vaccine được triển khai tiêm trên 100 người ở châu Phi, so với 99 liều vaccine tại khu vực châu Âu, và 111 liều vaccine ở Mỹ.
Báo động về số ca tử vong tăng ở châu Âu
Cũng trong ngày 30/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lây nhiễm gia tăng và tốc độ tiêm vaccine đang trì trệ ở châu Âu.
Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đang một lần nữa tăng lên trên toàn cầu. Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nhận định, các ca bệnh và ca tử vong đang tăng trở lại ở châu Âu, đặc biệt là ở những quốc gia nghèo hơn trong khu vực Balkan, Caucasus, và Trung Á.
Được biết, khu vực châu Âu của WHO bao gồm 53 quốc gia, trải dài từ bờ Tây Greenland đến bờ Thái Bình Dương của Liên bang Nga, và từ Địa Trung Hải đến Biển Baltic; trong đó có một số quốc gia ở Trung Á.
Ông Hans Kluge nhấn mạnh: “Tuần trước, số người tử vong trong khu vực này đã tăng 11%, với một dự báo đáng tin cậy ước tính sẽ có 236.000 trường hợp tử vong ở châu Âu đến ngày 1/12”. Cho đến nay, châu Âu đã ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Trong số 53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu của WHO, 33 quốc gia đã ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 10% trong 2 tuần qua, chủ yếu ở những quốc gia nghèo hơn.
Tỷ lệ lây nhiễm cao trên toàn châu lục là "đáng lo ngại sâu sắc, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng thấp trong số các nhóm dân số ưu tiên ở một số quốc gia", ông Hans Kluge nói thêm.
Trong khi khoảng một nửa số người dân ở khu vực châu Âu của WHO đã được tiêm chủng đầy đủ, thì tốc độ tiêm chủng trong khu vực này đang chậm lại. Trong 6 tuần qua, tốc độ này đã giảm 14%. Chỉ 6% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn và thu nhập trung bình thấp hơn ở châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ, và một số quốc gia chỉ tiêm được cho 10% chuyên gia y tế.
“Tình trạng đình trệ trong việc tiêm vaccine ở khu vực của chúng tôi là mối quan ngại nghiêm trọng”, người đứng đầu khu vực châu Âu của WHO khẳng định; đồng thời kêu gọi các quốc gia “tăng cường sản xuất, chia sẻ và cải thiện khả năng tiếp cận vaccine”.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)