Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu không mấy khả quan, các công ty đa quốc gia đã chờ đợi từ lâu ngày Iran chính thức thoát khỏi lệnh trừng phạt quốc tế để tiếp cận vào một thị trường đầy tiềm năng.
Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Iran cần được đổi mới thiết bị, bao gồm các ngành công nghiệp như dầu mỏ, khí đốt, đường sắt, và hàng không. Cộng với đó là 80 triệu người tiêu dùng Iran, nhiều người trong số họ có nhu cầu mua xe hơi và vô số loại hàng hóa khác.
|
Người dân Iran đi mua sắm ở khu chợ cổ Grand Bazaar, thủ đô Tehran ngày 16/1. Ảnh: AFP
|
Thị trường Tehran đang bắt đầu mở cửa, ngay sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ban hành một báo cáo kết luận Iran đã hoàn thành nghĩa vụ của mình theo như thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm ngoái với các cường quốc thế giới.
Kể từ khi thỏa thuận được ký kết trong tháng 7 vừa qua, các đoàn quan chức và đại diện các doanh nghiệp từ Đức, Pháp và Italy đến Iran để chuẩn bị những bước ban đầu nhằm giành lại một số thị phần đã mất vào tay các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc Nga và Nhật Bản, hai nước từ lâu đã giữ mối quan hệ thân thiện với Tehran.
Liên đoàn thương mại nước ngoài Đức (BGA) dự báo, nước này sẽ có một thời gian khó khăn để lấy lại vị trí trước đây, khi Berlin là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Hiện nay, các công ty Trung Quốc đang giữ vị trí này sau khi Iran chịu lệnh trừng phạt.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Ming, quốc gia mua dầu thô lớn nhất của Iran cho biết, Bắc Kinh dự định khai thác triệt để tiềm năng hợp tác với Tehran trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Các công ty của Mỹ như Boeing và General Electric cũng đang rất quan tâm đến các cơ hội ở thị trường Iran, nhưng lại không thể tiếp cận thị trường này bởi thực tế Washington không có quan hệ ngoại giao với Tehran trong 35 năm nay và sẽ tiếp tục một số lệnh trừng phạt nhất định.
Trong khi đó, Iran đang tìm kiếm cho các công ty nước ngoài để giúp hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong nước, do từ lâu đã thiếu nguồn đầu tư và công nghệ hiện đại trong thập kỷ qua. Theo các chuyên gia kinh tế, sự trở lại của thương mại sẽ đưa nền kinh tế của Iran, quốc gia đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp nghiêm trọng và tình trạng lạm phát cao trở lại “trên chính đôi chân của mình”.
Ngành dầu mỏ vẫn hấp dẫn
Sự sụt giảm của giá dầu thế giới xuống dưới 30 USD/thùng một phần là do kỳ vọng về dầu thô Iran sẽ tiếp tục tràn vào thị trường. Tuy nhiên, đây cũng không phải là tin tốt cho Tehran, vì điều đó có nghĩa là kho bạc của Chính phủ nước này sẽ không thu được nhiều tiền từ việc bán dầu.
Thế nhưng, đối với quốc gia đang nắm giữ trữ lượng dầu lớn thứ 4 trên thế giới và hiện đang bơm 1 triệu thùng dầu/ngày thì lĩnh vực năng lượng của Iran vẫn còn khá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Tehran cũng đang tìm kiếm 25 tỷ USD đầu tư trong ngành dầu khí.
“Lĩnh vực đầu tư về cơ sở hạ tầng và ngành năng lượng sẽ cung cấp những cơ hội tốt nhất cho các công ty của chúng tôi”, Bộ Phát triển kinh tế Italy nhận định trong một tuyên bố gần đây.
Nga, quốc gia duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Iran, hiện đang đứng trước nhiều đối thủ cạnh tranh. Vì thế, Moscow sẵn sàng chi tiền để đạt được mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hàng năm của mình với Tehran từ 1,6 tỷ USD hiện nay lên đến 10 tỷ USD.
Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định cung cấp 5 tỷ USD tín dụng cho Iran trong chuyến thăm Tehran vào tháng 11 sắp tới.
Nga mới đây không chỉ bán hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300 cho Iran, mà còn nhận được đơn đặt hàng xây dựng 2 lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr.
Hãng dầu khí khổng lồ của Nga Gazprom và công ty dầu Lukoil của nước này cũng đang tìm kiếm cả cơ hội sản xuất, lưu trữ và vận chuyển năng lượng.
Một số công ty dầu phương Tây, như Total của Pháp và Eni của Italy cũng có những hợp đồng liên doanh với đối tác Iran.
“Chúng tôi sẽ có mặt để kiểm tra các cơ hội trong ngành dầu khí và hóa dầu, các lĩnh vực phân phối nhiên liệu. Tất cả đều là những hợp đồng tốt”, Giám đốc điều hành của Total Patrick Pouyanne khẳng định.
Thị trường đầy triển vọng
Ngành ô tô được cho là khá hấp dẫn, do hiện nay tại Iran chỉ có 100 người sở hữu xe hơi/1.000 người, ít hơn 6 lần so với người tiêu dùng châu Âu. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Iran cũng bị hạn chế việc sở hữu các loại xe mới bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Iran là một thị trường đầy hứa hẹn. Chúng tôi có hơn một triệu chiếc xe với tiềm năng tiếp cận đến 1,5 - 2 triệu người Iran”, Giám đốc điều hành Renault Carlos Goshn nói bên lề triển lãm Detroit Auto Show hồi tuần trước.
Hãng xe hơi Renault của Pháp đã thương lượng về cổ phần với nhà sản xuất ô tô Khodro Pars của Iran, các quan chức Iran nói thêm.
Đối với lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, thị trường này có thể khó khăn hơn do sự “tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp công và các chủ sở hữu đất nông nghiệp bán công”, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Pháp.
Ngoài ra, Đức hy vọng có thể xuất khẩu 5 tỷ euro đến 10 tỷ euro hàng hóa cho Iran trong những năm tới, đặc biệt là máy móc công cụ. Tập đoàn kinh tế Siemens của Đức vừa công bố một thỏa thuận sơ bộ với Tehran liên quan đến các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt.
Trong một động thái liên quan, Tổng thống Iran Hassan Rohani lên kế hoạch cho một chuyến thăm tới Italy và Pháp vào cuối tháng này. Điều đó có thể cho thấy những cơ hội có lợi cho Airbus với trụ sở ở thành phố miền nam Toulouse, Pháp trong bối cảnh các hãng hàng không Iran cần phải đổi mới đội tàu của họ.
“Iran là thị trường có tiềm năng to lớn cho Airbus và các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi”, tờ Financial Times dẫn lời ông Fabrice Bregier, Giám đốc điều hành Airbus nói trong một cuộc phỏng vấn.
|