Thế giới

Thời Trump, kinh tế Mỹ bay lên như con phượng hoàng

ClockChủ Nhật, 20/10/2019 15:00
Tuần này đánh dấu ông Donald Trump đã cán mốc 1.000 ngày làm tổng thống Mỹ kể từ khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-1-2017. Người ta vẫn nhớ rõ những hứa hẹn của ông về việc làm cho nước Mỹ giàu có, an toàn và vĩ đại trở lại.

Tổng thống Mỹ cân nhắc giảm thuế thu nhập để kích thích nền kinh tếTổng thống Trump trấn an dư luận trước mối lo suy thoái kinh tếTổng thống Trump: "Triều Tiên có tương lai kinh tế rực rỡ nếu đạt được thỏa thuận"Mỹ-Trung bước vào 90 ngày tạm dừng các xung đột thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử “Giữ nước Mỹ vĩ đại” ở thành phố Dallas, bang Texas tuần này - Ảnh: AFP

Dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ đang bay lên như một con phượng hoàng từ đống tro tàn của những quy định hành chính rườm rà, thuế cao và những thỏa thuận thương mại tồi tệ từng đe dọa sẽ bóp nghẹt nó. 

Cây bút Steven W. Mosher nhận xét trên Đài Fox News

"Thời gian cho những lời nói sáo rỗng đã kết thúc. Giờ là lúc phải hành động!" - ông Trump phát biểu cách đây gần 3 năm. Sau hơn 1.000 ngày, ông Trump đã làm được gì cho nước Mỹ?

Vị tổng thống của những "lần đầu tiên"

Khi lên lãnh đạo nước Mỹ, ông Trump đã theo đuổi và thực hiện một loạt mục tiêu đặt ra như: nước Mỹ trên hết, một quân đội hùng mạnh, một nền kinh tế vững chắc, thắt chặt an ninh biên giới và hạn chế luồng người di cư, đưa Mỹ rời khỏi thỏa thuận khí hậu Paris... cùng một số động thái đi ngược trật tự toàn cầu hậu Thế chiến 2 như dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Rõ ràng ông Trump đã rất quyết liệt với các mục tiêu trong 3 năm qua và đạt được những thành công đáng ngưỡng mộ. Theo trang web của Nhà Trắng, gần 4 triệu việc làm được tạo ra, Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Canada và Mexico để thay thế NAFTA, rồi đến chuyện xây được những đoạn tường biên giới dọc Mexico...

Theo trang Business Insider, dưới thời ông Trump, nền kinh tế Mỹ có mức tăng trưởng GDP trong khoảng 2-3%. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% - mức cao nhất trong 13 năm qua. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp đang giảm, tiền lương và số lượng việc làm đang tăng lên.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã không ngại đụng chạm tới những vấn đề nóng hổi và nhạy cảm bậc nhất thế giới: từ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, câu chuyện Jerusalem cho tới Đài Loan, Taliban... 

Trong quá trình đó, ông đã tạo ra những khoảnh khắc lịch sử, dù một số gây tranh cãi, cho mình: tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, hay thậm chí được đề cử cho giải Nobel hòa bình.

Đặc biệt, ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thách thức trực tiếp Trung Quốc và dẫn tới một cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm qua. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn giải quyết dứt điểm vấn đề ép buộc chuyển giao công nghệ và các hành vi thương mại không công bằng khác của Bắc Kinh. Ông cũng áp các gói thuế quan lên cả bạn bè và đối thủ với quy mô chưa từng thấy.

Ông Trump cũng rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và muốn quân đội Mỹ dừng dính vào các cuộc chiến dai dẳng ở Trung Đông. Đây cũng là khu vực khiến ngày thứ 1.000 làm tổng thống của ông Trump thêm bận rộn. 

Mới nhất, ông phải nhiều lần lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ, rồi ký sắc lệnh hành pháp trừng phạt và cử Phó tổng thống Mike Pence đến dàn xếp thỏa thuận để Ankara ngừng bắn với các chiến binh người Kurd - vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Nghệ thuật của ông Trump

Theo trang The Gateway Pundit, khảo sát cho thấy sau 1.000 ngày làm tổng thống, tỉ lệ ủng hộ của các cử tri dành cho ông Trump là 50%, cao hơn 5% điểm so với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trong cùng giai đoạn.

Một phần tạo nên sức hấp dẫn của ông Trump với các cử tri là ông sẵn sàng nói ra những suy nghĩ của mình mà không bị ràng buộc bởi các khuôn phép, ý kiến công chúng hay lối nói chính trị phải đạo (political correctness, tức dùng những từ ngữ nói giảm, nói tránh để không làm mất lòng người nghe hay gây căng thẳng). 

Theo trang Deseret News, những người ủng hộ cho biết họ thích cách ăn nói thẳng thắn của ông Trump.

Bên cạnh đó, có một thứ để tạo nên sức hút của ông Trump trong 1.000 ngày qua: nghệ thuật phóng đại. Hãng tin AP ngày 19-10 nhận định ông Trump là một bậc thầy khi nói về thứ nghệ thuật này.

Nếu khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là bệ phóng đưa ông Trump tiến thẳng vào Nhà Trắng thì những lời nói "nghe sướng tai" như thế này đã giúp ông lấy lòng người Mỹ: nền kinh tế Mỹ hiện "tuyệt vời nhất" trong lịch sử Mỹ, quân đội hiện "mạnh nhất" từng thấy...

Từ trước khi làm tổng thống, ông Trump đã là bậc thầy của nghệ thuật phóng đại trong nhiều thập niên, như ông giải thích trong quyển sách Nghệ thuật đàm phán (1987) của mình.

"Mọi người muốn tin thứ gì đó là lớn nhất, tuyệt vời nhất và ngoạn mục nhất. Còn tôi gọi đó thật ra là lời ngoa dụ. Đó là một dạng phóng đại vô hại và là một dạng quảng bá rất hiệu quả" - ông Trump viết.

Theo AP, chỉ cần tìm kiếm trên tài khoản Twitter của ông Trump, người ta có thể thấy nhà lãnh đạo Mỹ đã đề cập hơn 1.200 lần những từ "lớn nhất", "tốt nhất", "khôn ngoan nhất". Người ta cũng dễ dàng tìm thấy những cái "nhất" trong các cuộc đàm phán của vị "tổng thống Twitter" với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình...

Tuy nhiên, 1.000 ngày làm tổng thống của ông Trump cũng vấp phải nhiều sóng gió, từ những chỉ trích liên quan tới việc ông sa thải các thành viên nội các, các bình luận bị cho là phân biệt chủng tộc, cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay mới nhất là cuộc điều tra luận tội của các thành viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ.

Giờ đây thế giới sẽ tiếp tục theo dõi ông Trump "Giữ nước Mỹ vĩ đại" ra sao sau 3 năm nỗ lực "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Return to top