Thế giới

Thủ tướng gặp Tổng thống Biden và lãnh đạo Hàn Quốc, Thái Lan bên lề COP26

ClockThứ Ba, 02/11/2021 15:05
Tối 1-11, trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị viện trù bị COP26 tại Italy

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị COP26 ngày 1-11 - Ảnh: TTXVN

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Tổng thống Biden tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước châu Á; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ và mong muốn phát triển quan hệ ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định.

Tổng thống Biden đánh giá cao sự tham gia chủ động, tích cực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đặc biệt là việc đưa ra cam kết về phát thải ròng bằng 0, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ phát triển tích cực hơn nữa, trong đó có hợp tác về tài chính công nghệ để giải quyết các vấn đề khí hậu, nhất là thực hiện đầy đủ các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, hoan nghênh sự tham gia của các công ty Mỹ vào các lĩnh vực phát triển xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In - Ảnh: BNG

Trao đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn hai nước làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cảm ơn Hàn Quốc đã dành sự hỗ trợ quý giá về vắc xin, thiết bị y tế chống dịch, giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào tiến trình này. Thủ tướng mời Tổng thống Hàn Quốc sang thăm Việt Nam và ông đã vui vẻ nhận lời.

Tổng thống Hàn Quốc cảm ơn Việt Nam ủng hộ tiến trình hòa bình ở bán đảo Triều Tiên với việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội năm 2019. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Hội nghị COP26 ngày 1-11 - Ảnh: TTXVN

* Gặp gỡ với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy ký kết và triển khai các văn kiện hợp tác, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Thái Lan lên mốc 25 tỉ USD mỗi năm theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẵn sàng hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có tăng cường đầu tư vào Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Về hợp tác phòng chống dịch bệnh và phục hồi, hai thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác về vắc xin và thiết lập hành lang đi lại an toàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Thái Lan đã đưa Việt Nam vào nhóm nguy cơ thấp và không phải cách ly khi đến Thái Lan, đồng thời đề nghị hai nước sớm đàm phán công nhận hộ chiếu vắc xin của mỗi nước.

Tại cuộc tiếp Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Carlos Manuel Rodriguez, Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.

Về hợp tác với GEF trong chu kỳ 8 (giai đoạn 2022-2026), Thủ tướng đề nghị quỹ tiếp tục hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực chính gồm đảm bảo an ninh lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long; xử lý rác thải nhựa đại dương; gìn giữ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi hệ sinh thái; thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Tổng giám đốc GEF cho biết những cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 là hết sức mạnh mẽ, kịp thời, thể hiện trách nhiệm sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. GEF sẽ tiếp tục đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt với 4 lĩnh vực ưu tiên mà Thủ tướng đã nêu.

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhân sự kiện Hội nghị về môi trường và phát triển lần thứ nhất của Liên Hiệp Quốc (Hội nghị thượng đỉnh trái đất) nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu.

Với 184 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. 

Kể từ khi hoạt động, Việt Nam đã nhận được hơn 916 triệu USD từ GEF để thực hiện 119 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết

Tối 21/12, tại Sân vận động Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu gặp đội tuyển Myanmar trong khuôn khổ bảng B, giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (ASEAN Cup 2024). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến xem, cổ vũ và tặng hoa cho các cầu thủ.

Thắng đậm Myanmar 5-0, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Singapore ở bán kết
Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025

Trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa các mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Bộ Ngoại thương Thái Lan thông báo nước này sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa để sử dụng làm nguyên liệu thô trong các nhà máy công nghiệp kể từ ngày 1/1/2025.

Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025
ATIA: Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy, người dân nước này đang tiếp tục đi du lịch với số lượng kỷ lục, trong đó Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia là những điểm đến ghi nhận mức tăng trưởng hàng đầu. ATIA cho biết chỉ riêng trong tháng 10/2024, đã có 1,66 triệu người Australia khởi hành đến các điểm đến quốc tế, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ATIA Du khách Australia đến Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia tăng mạnh
Return to top