Thế giới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 35

ClockChủ Nhật, 03/11/2019 08:46
Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN phát huy tinh thần đoàn kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững.

Hy vọng đạt được thoả thuận RCEP vào cuối năm nay đang mờ dầnHội nghị Cấp cao ASEAN: Thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEANThái Lan diễn tập an ninh, sẵn sàng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 2/11, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị liên quan.

Đảm nhận vai trò chủ trì hội nghị là Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha - Chủ tịch ASEAN năm 2019. Cùng tham dự có lãnh đạo của các nước thành viên ASEAN.

Tại Hội nghị, các nước đã điểm lại kết quả triển khai những ưu tiên theo chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững". Các nước đánh giá cao tiến bộ đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần duy trì vai trò và ý nghĩa là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy hòa bình, ổn định, đối thoại và hợp tác trong khu vực.

Các bên nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, thúc đẩy ASEAN phát triển bền vững, phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030 về các mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cao tinh thần đoàn kết và nhất trí của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và hoạt động dựa trên luật pháp.

Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN phát huy tinh thần đoàn kết ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN 2020, xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, có quan hệ sâu rộng với các đối tác.

Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới còn nhiều phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, các nước cần có tiếng nói chung, xây dựng cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch và dựa trên luật pháp, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa chủ đề phát triển bền vững, đồng thời củng cố chất keo gắn kết giữa các thành viên thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường kết nối, phát triển kinh tế bao trùm và bền vững, phát triển bền vững tiểu vùng, trong đó có tiểu vùng Mekong.

Việt Nam mong muốn thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, chuẩn bị thích ứng với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), đề cao bản sắc ASEAN, ý thức Cộng đồng, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm, đồng thời nâng cao khả năng chủ động thích ứng của ASEAN trước những thời cơ và thách thức đặt ra từ chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết để có được hòa bình và ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. Vừa qua, có một số vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng đã để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN.

Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định ở Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, nhằm đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng khẳng định ASEAN đã giữ vững đoàn kết và thống nhất, thể hiện qua lập trường nêu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 52, đề cao tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, thượng tôn luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Thủ tướng cũng bày tỏ nguyện vọng của Việt Nam về việc xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Tại cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương, quyết tâm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 và Thoả thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, ủng hộ nỗ lực của Tổng thư ký trong việc cải tổ hệ thống phát triển của Liên hợp quốc.

Việt Nam sẵn sàng tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, ủng hộ sáng kiến của Tổng Thư ký về "Hành động vì hoạt động gìn giữ hoà bình".

Tổng thư ký Guterres bày tỏ tình cảm đặc biệt sâu sắc với Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như xây dựng đất nước hiện nay. Ông Guterres khẳng định Việt Nam là nước đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, đồng thời  đánh giá cao sự tham gia hiệu quả và mong muốn Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa cho nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tổng thư ký bày tỏ mong muốn Việt Nam phát huy vai trò nêu gương trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sử dụng năng lượng sạch có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai nhân loại.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác, kết nối giữa ASEAN và LHQ trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 của Việt Nam.

Về tình hình Biển Đông, hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm về việc cần đảm bảo hòa bình, ổn định, tự do, an ninh hàng hải và hàng không, sớm đạt được COC trên tinh thần đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã mời Tổng thư ký Antonio Guterres thăm Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2020 và ông đã vui vẻ nhận lời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tối 2/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Ngài Prayut Chan-o-cha sẽ lãnh đạo đất nước Thái Lan phát triển ổn định, hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2019.

Thủ tướng cũng chia sẻ với nước bạn về những thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Thái Lan hồi tháng 9 vừa qua, bày tỏ mong muốn hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan đi vào chiều sâu, hiệu quả, triển khai các cơ chế hợp tác, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, lao động, hợp tác an ninh-quốc phòng.

Trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, Thủ tướng đề nghị Thái Lan quan tâm, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam phân phối tại thị trường Thái Lan, quan tâm hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Thái Lan yên tâm sinh sống, làm ăn, hòa nhập vào xã hội sở tại.

Thủ tướng Thái Lan đề nghị hai nước tăng cường phối hợp xử lý các vấn đề có tác động chung đến ASEAN như ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước, nhất trí cần tìm biện pháp tăng cường kim ngạch thương mại, quy mô đầu tư, mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mỗi nước kinh doanh thuận lợi.

Lãnh đạo hai nước nhất trí sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ để đạt được các mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác, xử lý các vấn đề an ninh tại khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa ASEAN và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025

Trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa các mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, Bộ Ngoại thương Thái Lan thông báo nước này sẽ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa để sử dụng làm nguyên liệu thô trong các nhà máy công nghiệp kể từ ngày 1/1/2025.

Thái Lan cấm nhập khẩu phế liệu nhựa từ đầu năm 2025
New Zealand và Thái Lan lập lộ trình hướng tới quan hệ đối tác chiến lược

Trong khuôn khổ cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters và người đồng cấp phía Thái Lan là Ngoại trưởng Maris Samgiampongsa vừa diễn ra tại Auckland (New Zealand), hai nước đã đặt ra mốc thời gian táo bạo rằng năm 2026 sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên mốc “Quan hệ đối tác chiến lược”.

New Zealand và Thái Lan lập lộ trình hướng tới quan hệ đối tác chiến lược
Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1/2025

Reuters hôm nay (13/12) dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira cho biết nước này dự kiến ​​sẽ áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia bắt đầu từ tháng 1/2025. Theo đó, chính phủ Thái Lan sẽ khẩn trương ban hành luật về việc thu thuế, Bộ trưởng Chunhavajira nêu rõ.

Thái Lan dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ tháng 1 2025
Thái Lan cảnh báo về 'Bệnh X' tại CHDC Congo

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã gửi cảnh báo tới tất cả các văn phòng của mình về một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm tại CHDC Congo vốn đã khiến hàng trăm người bị bệnh và ít nhất 79 người tử vong kể từ cuối tháng 10 đến nay.

Thái Lan cảnh báo về Bệnh X tại CHDC Congo
Return to top